Đối tượng kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; Bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹp, rau, củ, quả...
Các đoàn kiểm tra chú trọng kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như cơ sở sản xuất lớn, các siêu thị, trung tâm thương mại. Trong quá trình kiểm tra sẽ kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định, kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về nêu gương đối với cơ sở thực phẩm làm tốt, đồng thời cảnh báo tới người tiêu dùng đối với cơ sở, sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm số 1 cho biết, qua công tác kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất, siêu thị, đoàn kiểm tra đánh giá hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh đã tuân thủ khá tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, có một số cơ sở vẫn còn một số các tồn tại ví dụ như điều kiện vệ sinh chưa được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, các cửa hàng kinh doanh bánh kẹo còn thiếu giá kệ, sắp xếp chưa gọn gàng...
Qua đó, đoàn kiểm tra đã đề nghị các cơ sở tăng cường công tác vệ sinh cơ sở, kịp thời khắc phục điều kiện vật chất như bổ sung giá kệ, sửa chữa tường ẩm mốc, cải tạo khơi thông hệ thống xử lý nước thải; thực hiện lưu mẫu thức ăn, kiểm thực 3 mẫu theo quy định. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng đề nghị Đoàn kiểm tra liên ngành các huyện giám sát việc thực hiện khắc phục của các cơ sở trước ngày 17/1/2022.
Theo bà Nguyễn Thị Hường, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở bị ảnh hưởng, tuy nhiên đoàn kiểm tra vẫn tiến hành kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở có vi phạm và chấn chỉnh các tồn tại của cơ sở để các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm và đặc biệt kiểm tra kiểm soát các hàng hóa trên thị trường về nguồn gốc xuất xứ, hoá đơn chúng từ thể hiện các nguồn gốc cũng như các sản phẩm theo quy định để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tránh các hàng giả hàng nhái lưu thông trên thị trường.
Từ nay đến Tết và sau Tết, đoàn sẽ tiếp tục đi kiểm tra các đơn vị theo sự phân công của UBND tỉnh ở các huyện/thành phố, đặc biệt là kiểm tra tại các cơ sở dịch vụ ăn uống để phục vụ cho mùa lễ hội phòng, chống ngộ độc có thể xảy ra.
Bà Hường khuyến cáo, hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân có tâm lý tích trữ thực phẩm dẫn đến nguy cơ thực phẩm mất an toàn khi không được bảo quản và sử dụng đúng cách, đồng thời gây lãng phí hoặc xu hướng mua thực phẩm trên mạng ngày càng tăng do tính tiện lợi của loại hình kinh doanh này mang lại. Khi mua thực phẩm trên mạng, người dân có nguy cơ mua phải các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc sản phẩm được sản xuất tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn theo quy định.
Việc lựa chọn thực phẩm tiêu dùng trong dịp Tết, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng, nơi bán hàng uy tín, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng; chú ý thông tin trên tem nhãn của sản phẩm, đặc biệt là ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản... Riêng đối với các mặt hàng bánh mứt nên chọn những sản phẩm có màu sắc tự nhiên, tránh mua những sản phẩm có màu sắc lòe loẹt. Người dân tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải lưu ý trong việc bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại hộ gia đình tốt nhất là ăn thực phẩm sau khi vừa nấu chín và nấu kỹ lại thực phẩm bảo quản trước khi ăn.