Trong gần 3 năm qua, Mỹ đã phát hành trái phiếu trị giá 3.200 tỷ USD và nợ công cho mỗi công dân, bao gồm cả người già và trẻ sơ sinh, tăng thêm 9.000 USD. Một trong những lý do chính gây ra điều này được các nhà kinh tế nhìn nhận là sự gia tăng mạnh mẽ các khoản chi tiêu xã hội, trong đó có lương hưu của thế hệ công dân được sinh ra trong giai đoạn tỷ lệ sinh tăng đột biến vào giữa thế kỷ 20. Vào cuối tháng 10/2019, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stephen Mnuchin tuyên bố, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã gần đạt tới ngưỡng 1.000 tỷ USD, tăng 20% so với tài khóa 2018.
Trong 12 năm qua, mỗi USD tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã khiến Washington phải trả 1,85 USD nợ công. Nếu bây giờ nợ quốc gia lên tới mức tương đương gần 80% GDP và theo tính toán của Quốc hội Mỹ, sẽ tăng lên 92% GDP vào năm 2029, thì đến giữa thế kỷ 21, con số này sẽ lên tới 150% GDP.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu đã chuyển vốn từ trái phiếu Mỹ sang các loại tài sản dễ thanh khoản hơn. Việc bán hết trái phiếu kho bạc gây ra cái gọi là hiện tượng đảo ngược: lợi suất của chứng khoán ngắn hạn trở nên cao hơn so với các khoản dài hạn, như trong cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Hầu hết các nhà kinh tế coi đây là một dấu hiệu chắc chắn của một cuộc suy thoái sắp xảy ra, mà tất cả những ai không nhanh tay đổi chứng khoán của Mỹ lấy vàng đang lên giá mạnh, sẽ bị ảnh hưởng.
Để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ, Fed buộc phải khởi động lại chương trình "nới lỏng định lượng". Đầu tháng 10/2019, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố ít nhất là đến cuối quý II/2020, Chính phủ Mỹ sẽ mua trái phiếu kho bạc ngắn hạn từ thị trường và tổng cộng 510 tỷ USD sẽ được chi ra cho hoạt động này.