Làn sóng đầu tư
Không chỉ các doanh nghiệp Thái Lan mà các nhà bán lẻ từ nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Đức… đã ngày càng chứng tỏ sự quyết tâm tham gia hệ thống bán lẻ của Việt Nam.
Theo lý giải của một doanh nhân chuyên phân phối hàng gia dụng Thái Lan, việc các doanh nghiệp Thái Lan đổ bộ vào lĩnh vực bán lẻ Việt Nam là do sức mua lớn; Thái Lan lại gần Việt Nam và có tập quán tiêu dùng, khẩu vị, thẩm mỹ giống người Việt. Hơn nữa, hàng Thái Lan lại có ưu điểm là giá hợp lý, chất lượng bảo đảm, mẫu mã đa dạng nên được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Thái Lan còn được Chính phủ nước này hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất 1%, thậm chí 0%, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu lãi vay 6 - 7% nên rất khó cạnh tranh.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, không nên quá “lăn tăn” trước việc các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, vì đó là xu hướng tất yếu đã được báo trước và điều đó phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam.
Gian hàng trái cây tại siêu thị Big C Hà Đông (Hà Nội). |
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú cho hay, cần nhìn vấn đề theo hướng tích cực hơn trong cuộc mua bán này bởi cả bên bán và bên mua đều có mục đích riêng của họ. Về phía doanh nghiệp Việt, họ chọn cách bán lại hệ thống để bảo toàn vốn hoặc cân đối tài chính. Ngược lại, bên mua chỉ cần vài tháng là có thể sở hữu ngay một địa điểm đắc địa để chiếm lĩnh thị trường 90 triệu dân.
Dưới cái nhìn của giới phân tích, Big C được ví như “cô gái đẹp” khiến nhiều đại gia dòm ngó và thèm khát được chiếm lĩnh. Cùng với đó, các doanh nghiệp nước ngoài chẳng khác nào các đại gia muốn khẳng định sức mạnh của mình nhờ ưu thế trường vốn, năng lực quản lý tốt cũng như kinh nghiệm và thương hiệu nổi bật trên thương trường. Vì thế, đây là việc hết sức ngẫu nhiên giữa bên mua và bên bán trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần lưu tâm nhất ở đây là cơ quan chức năng cần theo dõi và hướng dẫn để họ triển khai kịp thời, đúng luật cũng như tránh trốn thuế, lách luật của các doanh nghiệp nước ngoài.
Chậm đổi mới
Một điều đáng buồn hiện nay là các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang ngày càng bộc lộ những yếu kém mang tính cố hữu, do chậm đổi mới, phát triển manh mún, quy mô nhỏ lẻ. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự đuối sức trong cuộc tranh đua với các đại gia nước ngoài.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ chứ không làm thay cho các doanh nghiệp tìm hướng đi và tự lớn lên trước cơn bão này. Không còn cách nào khác, ngoài việc bản thân doanh nghiệp phải chủ động xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Không những thế, các doanh nghiệp lớn phải đảm bảo được vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ để tạo sự liên kết chuỗi và tạo thế vững chắc trước làn sóng hội nhập.
Để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thua trên sân nhà, theo ông Vũ Vinh Phú, các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết lại và khắc phục nhanh điểm yếu của mình. Do vậy, các doanh nghiệp cần đổi mới, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng. Các doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết hoặc bán một phần vốn có các doanh nghiệp nước ngoài cần tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị doanh nghiệp, nắm bắt những kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài để từng bước phát triển không đánh mất thương hiệu.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan khuyến cáo các doanh nghiệp cần vượt qua các thách thức từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và các siêu thị lớn nhỏ của Việt Nam phải có những biện pháp kiểm soát hàng nhập để kích thích sự phát triển của hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó tạo điều kiện cho nền kinh tế trong nước phát triển.