Năm 2019, vụ mùa khoai lang, huyện Hòn Đất trồng gần 600 ha, tập trung ở hai xã Mỹ Thái và Mỹ Hiệp Sơn.
Chúng tôi đến ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn khi nhiều hộ nông dân tất bật thu hoạch khoai lang với không khí rộn ràng, vui tươi. Vây quanh đống khoai tươi đỏ hàng trăm tấn vừa chuyển từ ruộng vào bờ đê, hàng chục phụ nữ nông thôn với đôi bàn tay nhanh nhẹn nhặt rễ, phân loại khoai bán cho thương lái.
Bà con cho hay, năm nay, giá khoai lang ở mức 9.000 - 10.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so mùa khoai năm 2018. Lợi nhuận trên dưới 15 triệu đồng/công (1.000 m²) sau khi trừ chi phí sản xuất.
Năm nay, vụ khoai lang, gia đình bà Nguyễn Thị Lợt ở ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) trồng 75 công (7,5 ha), lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ đồng.
Bà Lợt cho biết, chi phí sản xuất 1 công khoai lang 14 - 15 triệu đồng như đắp vòng, trồng khoai, chăm sóc, phân bón, thu hoạch… Khoảng 4 tháng sau thu hoạch, năng suất 3,5 - 4 tấn/công, so với sản xuất lúa, trồng khoai lang lãi gấp nhiều lần. Nếu giá khoai lang luôn ở mức 9.000 - 10.000 đồng/kg, nông dân trồng khoai ở đây, mỗi gia đình thu về hàng trăm triệu đồng sẽ giảm nghèo, vươn lên làm giàu nhanh.”
Ông Bùi Bá Đông, Tổ trưởng Tổ kinh tế kỹ thuật nông nghiệp nông thôn xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Đối với hộ trồng khoai lang, nông dân sản xuất theo mô hình một vụ lúa, một vụ khoai. Ngoài lợi nhuận về kinh tế từ khoai lang, sau khi thu hoạch bà con gieo sạ lại vụ lúa mà không phải tốn chi phí làm đất, giảm đáng kể lượng phân bón hay thuốc trừ sâu so với trồng lúa trên đất ruộng bình thường nhưng lúa sinh trưởng, phát triển tốt do đất đai màu mỡ, năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha. Nông dân thu về hai nguồn lợi kinh tế là lúa và khoai trên cùng diện tích sản xuất.”
Tuy nhiên, ông Đông chia sẻ thêm, trồng khoai lang ở đây chưa thực sự ổn định, bền vững, nhất là về giá cả thị trường và phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu khoai sang Campuchia, Trung Quốc. Năm nay, khoai lang được mùa bán có giá nông dân phấn khởi, không như năm ngoái, giá 4.500 - 5.000 đồng/kg, bà con trồng khoai thua lỗ nặng, đời sống kinh tế hết sức khó khăn.
Theo lãnh đạo huyện Hòn Đất, huyện quy hoạch lại diện tích trồng khoai lang ở những vùng có điều kiện thích hợp, tập trung chủ yếu ở hai xã Mỹ Thái và Mỹ Hiệp Sơn có nghề sản xuất khoai lang truyền thống khá lâu đời.
Huyện hướng dẫn, tập huấn giúp nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại… để nâng cao năng suất, chất lượng khoai lang, giảm chi phí đầu tư sản xuất, tăng lợi nhuận cho bà con theo hướng sản xuất sạch, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm khoai lang để tìm đầu ra tiêu thụ và giá cả ổn định. Huyện xây dựng thương hiệu tập thể “Khoai lang Hòn Đất”, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP nhằm nâng giá trị kinh tế của loại sản phẩm nông sản này.