Nông dân Đắk Nông thu hoạch tiêu. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, giá mặt hàng tiêu đen trên địa bàn tỉnh đang dao động từ 98.000-100.000 đồng/kg (giảm 13.000 đồng/kg so với tuần trước). So với cùng kỳ năm ngoái, giá hồ tiêu đã giảm gần một nửa (80.000 - 90.000 đồng/kg). Đây là mức giá thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Khảo sát tại một số đại lý, cơ sở thu mua trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giá hồ tiêu mua vào dao động từ 95.000 -96.000 đồng/kg. Mức cao là 99.000 đồng/kg.
Theo dự báo của nhiều đại lý thu mua nông sản lớn thì giá hồ tiêu có khả năng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh khiến người nông dân đứng ngồi không yên. Giá hồ tiêu lên xuống đang trở thành “vấn đề nóng” được bàn tán nhiều tại các vùng trồng tiêu lớn ở Đắk Nông như huyện Đắk Song, Đắk R’Lấp, Đắk Mil, Cư Jút…
Gia đình anh Phạm Hồng Nhật, ở thôn 3, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song có 4ha hồ tiêu kinh doanh năm thứ 3. Nhờ chăm sóc tốt nên vụ này gia đình anh thu hoạch được khoảng 20 tấn tiêu khô. Thế nhưng anh Nhật tỏ ra kém vui vì giá hồ tiêu năm nay giảm mạnh.
Anh Nhật cho biết, nếu với giá bán năm ngoái 200.000 đồng/kg, gia đình anh thu lãi hơn 2 tỷ đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Còn năm nay, do giá xuống thấp nên gia đình mới chỉ bán vài tấn để trang trải sinh hoạt, lấy tiền trả vật tư, nhân công; còn lại vẫn “ghim” trong kho chờ giá lên. “Giá tiêu xuống nhanh khiến bà con rất lo lắng. Ngày nào tôi cũng lên mạng hoặc gọi ra đại lý để thăm dò giá”, anh Nhật nói.
Không phải nông hộ trồng tiêu nào cũng được như gia đình anh Nhật, khi giá tiêu xuống thấp thì ghim hàng lại chờ tăng cao mới bán. Biết giá xuống thấp nhưng nhiều gia đình vẫn phải bán để lấy tiền chi phí và trả nợ.
Giá tiêu “tuột dốc” khiến bà Nguyễn Thị Đô (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song) như ngồi trên “đống lửa”. Theo lời bà Đô, mấy năm trước giá hồ tiêu cao thấy nhiều gia đình “một bước” thành tỷ phú, nên gia đình đã dồn hết vốn liếng; vay ngân hàng, vay nóng lãi suất cao thêm 4 tỷ đồng để đầu tư trồng 10 ha tiêu. Đến nay mới chỉ có 4 ha cho thu hoạch, còn lại là tiêu tơ.
Mặc dù giá xuống thấp nhưng thu hoạch đến đâu bà Độ phải bán hết đến đó để trả tiền vật tư, nhân công và lãi vay. “Mỗi ha tiêu đầu tư hết khoảng 300 - 500 triệu đồng, thu hoạch chưa lại vốn thì giá cả lao dốc. Nếu giá tiêu không lên thì gia đình chỉ còn cách bán đất trả nợ”, bà Độ rầu rĩ.
Theo một số đại lý thu mua nông sản lớn ở Đắk Nông, giá tiêu liên tục giảm mạnh, các nông hộ chưa bán ra nhiều nên việc mua bán cũng diễn ra cầm chừng. Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Cương Hà Đắk Nông cho biết, thông thường vào niên vụ thu hoạch hồ tiêu, công ty mua vào 60 -70 tấn mỗi ngày.
“Nhưng thời điểm này giá tiêu xuống quá thấp, nên mỗi ngày chỉ mua được hai chục tấn là cao”, bà Hà cho hay. Lý giải về hiện tượng giá hồ tiêu có sự chênh lệch giữa các đại lý, cơ sở thu mua, một chủ đại lý giấu tên cho rằng, những đại lý mua giá hồ tiêu cao hơn mặt bằng là cần nguồn cung gấp để đáp ứng đơn hàng đã ký trước. Còn với những đại lý, cơ sở mua-bán trong ngày thì không bị áp lực nhiều về giá.
Ông Lê Hoàng Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Đắk Song phân tích khi đại lý chốt được giá bán cao (ký hợp đồng trước, thu mua sau) họ sẵn sàng mua hồ tiêu giá cao. Còn nếu đại lý không chốt được giá bán, hoặc mua-bán trong ngày thì sẽ phụ thuộc thị trường.
Còn xét về tổng thể, giá tiêu năm 2017 giảm mạnh là do ảnh hưởng của thị trường thế giới, hiện giá tiêu trên thị trường thế giới cũng đang giảm. Mặt khác, giá hồ tiêu giảm đã được dự báo từ trước. Những năm gần đây, diện tích hồ tiêu tại tỉnh Đắk Nông mở rộng quá nhanh dẫn đến cung vượt cầu.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Đắk Nông, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh năm 2016 đã đạt mức hơn 27.500 ha, tăng hơn 11.000 ha so với năm 2015, trong đó có gần 15.000ha trong thời kỳ kinh doanh đạt sản lượng đạt hơn 34.400 tấn. Diện tích hiện nay đã vượt gấp đôi quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2020 là 14.000 ha.
Việc cung vượt quá cầu dẫn đến giá xuống là một tất yếu. Ở một khía cạnh khác, giá hồ tiêu giảm còn bởi hiện nay hầu hết bà con vẫn canh tác theo hướng quảng canh, chạy theo năng suất, sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến kỹ thuật khiến chất lượng hồ tiêu không bảo đảm các tiêu chuẩn khi xuất khẩu đi các thị trường lớn…
Tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại vẫn đang là vòng luẩn quẩn không chỉ riêng đối với sản phẩm hồ tiêu mà còn với nhiều loại cây trồng khác. Đây không chỉ là một “bài học”, mà còn là “bài toán” các ngành chức năng cần sớm tìm ra lời giải để sản xuất bền vững.