Điều đáng nói, ở vụ trồng mía này, nông dân tiếp tục bị thua lỗ vì năng suất, chất lượng cây mía đường đạt thấp.
Ông Trần Văn Đồng, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, giá thu mua mía nguyên liệu ở thời điểm đầu vụ hiện nay ở mức 1.100 đồng/kg (đạt 10 chữ đường). Với giá mía này, nếu năng suất mía đạt từ 100 – 110 tấn/ha như trước đây nông dân có lời.
Tuy nhiên, do nhiều năm giá mía nguyên liệu liên tục giảm mạnh, giá phân bón tăng cao, nông dân ít đầu tư chăm sóc cho cây mía nên năng suất, chất lượng cây mía đều giảm. Ước tính năng suất bình quân mía năm nay chỉ đạt khoảng 80 tấn/ha và chữ đường bình quân cây mía khoảng 8 - 8,5. Với năng suất chất lượng cây mía thấp, sau khi trừ đi các khoản chi phí cây giống, công chăm sóc, công thu hoạch, phân bón,… khoảng 75 triệu đồng/ha, nông dân trồng mía không có tiền lời .
Ông Trần Văn Đồng cho biết thêm, vùng mía nguyên liệu của huyện Trà Cú trước đây lên đến 5.000 ha. Nhưng do giá mía liên tục giảm thấp, đến niên vụ mía này tổng diện tích mía của toàn huyện chỉ còn hơn 860 ha. Số diện tích không trồng cây mía được nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng, vật nuôi khác như trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, trồng dừa xen canh rau mùa, chuyên rau màu, chuyên thủy sản, trồng cỏ nuôi bò,… cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 – 4 lần.
Ông Thạch Thanh Khang, ở xã Hàm Tân là một trong số nhiều nông dân bỏ cây mía chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh cho thu nhập cao. Từ năm 2019, ông Khang bỏ 0,7ha đất trồng mía chuyển sang mô hình sản xuất lúa - tôm càng xanh.
Với mô hình sản xuất mới trên đất mía này, mỗi năm gia đình ông thu hoạch 1 vụ lúa đạt năng suất khoảng 6 tấn/ha và 1 vụ tôm càng, trừ các chì phí gia đình ông Khang thu lợi nhuận từ 35-40 triệu đồng, so với cây mía cao gấp 6 lần.
Theo ông Trần Văn Đồng, UBND huyện Trà Cú đã chủ trương khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng mía sang các mô hình sản xuất khác. Ngoài việc hỗ trợ, tư vấn chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, kỹ thuật canh tác,… UBND huyện còn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng các dự án để tạo nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho nông dân trồng mía chuyển đổi sản xuất.
Cụ thể năm 2021, nông dân trồng mía ở xã Hàm Tân được Hội Nông dân tỉnh đầu tư 500 triệu đồng cho 22 hộ thực hiện mô hình sản xuất lúa – tôm càng xanh trên diện tích gần 16 ha. Hiện nay, mô hình này đang được UBND huyện chỉ đạo nhân rộng, nhằm giúp nông dân trồng mía gặp khó khăn không bỏ đất hoang, chuyển sang trồng các cây, con khác để có thu nhập kinh tế.