Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu - Bài 1: Tác động cực đoan của khí hậu

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, du lịch...

Những thập niên gần đây, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và có nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu: “… Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu…”.

Phóng viên TTXVN giới thiệu hai bài viết với chủ đề: Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Mô hình lúa - tôm ở huyện An Minh là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh Kiên Giang, Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Bài 1: Tác động cực đoan của khí hậu

Biến đổi khí hậu với những biểu hiện bất thường của thời tiết cực đoan đang làm hoang mạc hóa, đất đai bị xói mòn, gia tăng diện tích đất ngập mặn, ngập úng do lũ lụt hoặc hạn hán, làm thiếu đất canh tác, mất đất cư trú, gây ra những thay đổi trong đời sống xã hội và ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả mọi người.

Thời tiết ngày càng bất thường

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam, ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả người dân trên thế giới sẽ nghèo hơn. Tổn thất cho canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu ước tính lên tới .000 tỷ USD/năm vào năm 2050.

Một báo cáo công bố tại Hội nghị Thường niên Lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024) ở thành phố Davos (Thụy Sĩ) cho biết, biến đổi khí hậu có nguy cơ gây ra thêm 14,5 triệu ca tử vong và gây thiệt hại kinh tế 12.500 tỷ USD trên toàn thế giới tính đến năm 2050. Báo cáo cũng đề cập đến kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất khiến nhiệt độ trung bình của hành tinh tăng lên 2,5 - 2,9 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và phân tích sáu hậu quả chính của biến đổi khí hậu: Lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, bão nhiệt đới, cháy rừng và mực nước biển dâng cao.

Riêng lũ lụt ước tính sẽ dẫn đến 8,5 triệu ca tử vong đến năm 2050, gây ra “nguy cơ cấp tính cao nhất về tử vong do khí hậu”. Hạn hán cũng là nguyên nhân gây tử vong liên quan đến khí hậu, dự báo sẽ cướp đi sinh mạng của 3,2 triệu người. Trong khi đó, các đợt nắng nóng có thể sẽ gây ra thiệt hại kinh tế cao nhất, ước tính khoảng 7.100 tỷ USD tính đến năm 2050.

Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ XXI, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Khi đó, sẽ có khoảng 10 - 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến đổi môi trường, tác động xấu đối với nền kinh tế và cuộc sống của con người. Năm 2023, nước ta đã xảy ra 1.135 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất. Mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều điểm khu vực Tây Nguyên, trong đó sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc làm 3 chiến sỹ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 2 người chết, 5 người bị thương. Mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ, trong đó lũ quét tại Sa Pa và Bát Sát, tỉnh Lào Cai làm 9 người chết, mất tích. 3 đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11/2023 làm 14 người chết, mất tích… Tính đến ngày 14/12/2023, thiên tai đã làm 166 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.228 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, năm 2023 ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao nhất toàn cầu và là năm thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc ở Việt Nam. Nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay đã xuất hiện với trị số 44,2 độ C ở Bắc Trung Bộ. Mặc dù các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hầu như không đổ bộ trực tiếp vào trong đất liền nhưng các đợt mưa, lũ lớn diện rộng đã gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc...

Đáng chú ý, từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường liên tiếp xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng Hai sang đến tháng Ba; nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long...

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất

Chú thích ảnh
Tình trạng cạn kiệt nước ngọt gây ra khô hạn tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Sự thay đổi của hệ thống khí hậu như hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến sự dịch chuyển dần những trạng thái khí hậu mới, có thể thuận lợi hoặc không thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp.

Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay lượng mưa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên bị thiếu hụt so với các năm trước. Mực nước trên các sông duy trì mức thấp. Lượng dòng chảy phổ biến thấp dẫn đến tình trạng khô hạn trên khắp các tỉnh Tây Nguyên.

Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Tây Nguyên cho thấy biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, Trung tâm cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước dự báo trong tháng 3 và tháng 4, mực nước ngầm có xu thế hạ, mực nước thấp hơn từ 1,52 - 3,24 m so với tháng 2/2024. Lượng mưa thấp cùng hạn hán kéo dài khiến tình trạng khô hạn ngày càng trầm trọng hơn. Thống kê đến ngày 15/4, toàn tỉnh Đắk Lắk có 619 hồ chứa đã có 44 hồ đã cạn nước; 139 hồ có dung tích hiện tại dưới 50%; 135 hồ có dung tích hiện tại còn từ 50% đến dưới 70%; 127 hồ có dung tích hiện tại còn trên 70%.

Theo số liệu từ ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 13 đợt thiên tai (gồm 7 trận lốc tố, 2 đợt hạn hán, 4 đợt mưa lũ) làm khoảng 25.890 ha cây trồng các loại bị thiệt hại; trên 3.300 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 211 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận duy trì trạng thái nắng nóng kéo dài. Một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã gần mực nước chết; hồ Tà Mon đã hết nước từ đầu tháng 3/2024. Qua thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận có 961 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024 bị thiệt hại do thiếu nước tưới. 4.672 ha cây rau màu và thanh long của huyện Hàm Thuận Nam đang bị thiếu nước.

Mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm vào tháng 9, mặn xâm nhập sớm từ đầu tháng 1/2024, vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang) không có nguồn nước ngọt bổ sung. Cùng đó, mưa trái mùa không đáng kể, nắng nóng, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm dẫn đến bốc hơi nước mạnh; nhu cầu bơm tưới từ hệ thống kênh để dự trữ cho sản xuất và sinh hoạt của các nông hộ rất lớn… Đây là những nguyên nhân làm cho nước dưới kênh, rạch trên địa bàn vùng đệm U Minh Thượng khô dòng. Từ đầu tháng 3/2024 đến nay, mực nước kênh đê bao ngoài và các kênh trong vùng đệm hạ thấp ở mức độ cạn kiệt, khoảng cách từ mặt nước hiện tại cách cao độ mặt đường khoảng 4 m, gây hiện tượng sụt lún, sạt lở các tuyến lộ giao thông ở mức nghiêm trọng. Đáy một số kênh trong nội vùng khá sâu, do trước đó nạo vét phục vụ nhiều mục đích khác nhau như lấy đất san lắp mặt bằng, đắp nền nhà, làm bờ thi công lộ giao thông… cùng với đất nền yếu gây sạt trượt, sụt lún, sạt lở. Khắc phục hậu quả và giảm thiểu những thiệt hại đến mức thấp nhất có thể tiếp tục xảy ra do sụt lún, sạt lở trong thời gian tới, huyện U Minh Thượng hỗ trợ di dời những vật dụng trong gia đình hộ dân bị sụp đổ đến nơi an toàn; xây dựng nhà tạm ở, thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tại Tỉnh Cao Bằng, nắng nóng và khô hạn tiếp tục gây ra nhiều bất lợi cho lĩnh vực nông nghiệp. Các trạm bơm vận hành khó khăn do mực nước không đảm bảo. Nhiều diện tích sản xuất vụ hè thu, nhất là đối với cây lương thực khó khăn trong việc duy trì đảm bảo nước tưới theo kế hoạch. Thời tiết cực đoan nắng nóng, mưa đá, lũ ống, lũ quét trong mùa hè tiếp tục ảnh hưởng, khiến nhiều diện tích cây trồng bị đổ, gãy, ngập úng, cuốn trôi; các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất bị hư hỏng gây thiệt hại lớn.

Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm qua, nhiều địa phương đã triển khai mô hình giống cây trồng phù hợp hơn với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất cho kết quả khả quan... 

Bài cuối: Thay đổi để ứng phó

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu - Bài cuối: Thay đổi để ứng phó
Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu - Bài cuối: Thay đổi để ứng phó

Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, để nông nghiệp phát triển cân bằng, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, việc nghiên cứu đưa ra các phương pháp canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN