Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu - Bài cuối: Thay đổi để ứng phó

Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, để nông nghiệp phát triển cân bằng, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, việc nghiên cứu đưa ra các phương pháp canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Chú thích ảnh
Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản của hợp tác xã Hưng Thinh, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN

Phát triển nông nghiệp bền vững

Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp, gây ra tình trạng nắng nóng kéo dài, sương muối, lũ lụt, áp lực dịch bệnh lên cây trồng. Nông nghiệp thông minh là một trong những cách để thích ứng với sự thay đổi của khí hậu, thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật có tính đến sự phù hợp đặc điểm tự nhiên, điều kiện sinh thái cây trồng.

Vài năm trở lại đây, tác động bất lợi của thời tiết khiến một số gia đình ở huyện Thuận Châu (Sơn La) chuyển một phần diện tích sang trồng cỏ voi hoặc bỏ hoang gây lãng phí. Tại các xã Nậm Lầu và Chiềng Pha, mô hình canh tác khoai sọ thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai, góp phần bảo tồn, gìn giữ giống khoai sọ Cụ Cang, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững.

Bà Lò Thị Phin, bản Phúc, xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu, chia sẻ, tháng 2/2023, gia đình tham gia mô hình canh tác khoai sọ theo hướng hữu cơ do huyện triển khai. Sau khi được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, gia đình thực hiện chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, chất lượng được nâng lên, giá bán cao gấp 3 lần so với vụ trước đó.

Đắk Lắk là một trong những tỉnh bị tác động rất lớn do biến đổi khí hậu, nhất là về sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh luôn tìm giải pháp thay đổi canh tác, nghiên cứu giống thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông dân phát triển cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế giúp đời sống người dân ngày một ổn định hơn.

Điển hình như, gia đình anh Nguyễn Văn Thời, trú tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin trồng hơn 2 ha cà phê và hơn 1 ha chuối cách đây hơn 6 năm có thu nhập ổn định hơn 400 triệu đồng/năm. Theo anh Thời, giai đoạn đầu chưa nắm bắt được kỹ thuật cộng với thời tiết có những thay đổi cực đoan nên thu nhập bấp bệnh do bị nắng hạn và gió. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình đã chuyển phần đất thiếu nước và gió từ trồng cà phê sang trồng chuối. Còn vườn cà phê anh thay thế dần giống mới sai trái và chống chịu được nắng hơn.

Mặc dù tình hình hạn hán tại Kon Tum nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung đang có những diễn biến phức tạp nhưng nhờ sự chủ động của ngành nông nghiệp cùng sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong thay đổi thời vụ xuống giống, đến nay, tỉnh Kon Tum không chịu thiệt hại diện tích lúa nước nào trong thời gian cao điểm mùa khô.

Ông Đặng Trần Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh gieo trồng trên 7.200 ha lúa. Xác định tình hình thời tiết có nhiều biến đổi, khả năng xảy ra khô hạn cao, ngay từ tháng 10/2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã ban hành Hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024; trong đó khuyến cáo xuống giống lúa sớm hơn từ 15 - 20 ngày so với các năm trước. Cùng với cải thiện hệ thống thủy lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum cũng đã chủ động ban hành văn bản khuyến cáo nông dân gieo sạ sớm hơn khoảng nửa tháng trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 so với những năm trước. Điều này mang đến hiệu quả lớn trong việc phòng, chống hạn hán, khi bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ thiếu nước, đa số diện tích lúa đã bước vào giai đoạn chín sáp; thậm chí một số diện tích đã có thể cho thu hoạch. Vì vậy, việc thiếu nước trong giai đoạn này sẽ không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của lúa.

Ông Nguyễn Văn Lý, ấp Thứ Nhất, xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho biết, trước năm 2010 trở về trước, gia đình ông sản xuất 2 vụ lúa/năm nhưng không đạt hiệu quả. Nguyên nhân là do nguồn nước bị xâm nhập mặn vào mùa khô ảnh hưởng đến sự phát triển của ruộng lúa, năng suất đạt thấp (từ 4 - 5 tấn/ha). Khoảng năm 2010 đến nay, gia đình ông chuyển đổi sang mô hình sản xuất lúa - tôm theo sự khuyến cáo của chính quyền địa phương. Theo ông Lý, từ khi chuyển đổi sản xuất đến nay mô hình đã giúp tăng lợi nhuận cho gia đình ông cũng như nhiều nông dân khác ở địa phương.

Chủ động giải pháp ứng phó

Chú thích ảnh
Lớp học đồng ruộng tại thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN phát

Biến đổi khí hậu hiện đang tạo ra những thách thức to lớn, ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Ngày 10/5/2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững theo Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó khẳng định: “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia”.

Để tăng tính thích ứng sản xuất nông nghiệp trước biến đổi khí hậu, UBND các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch hành động. Đây là căn cứ quan trọng để các địa phương kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.

Nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày một gay gắt, UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các ngành chuyên môn, địa phương thực hiện tốt mục tiêu, giải pháp, đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu; đề xuất các cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm đảm bảo việc triển khai hiệu quả, đúng tiến độ; tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động đề xuất UBND tỉnh thực hiện lồng ghép, tích hợp các nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển nông, lâm nghiệp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các địa phương trong tỉnh, đề ra kế hoạch, giải pháp sử dụng đất nông nghiệp gắn với quy hoạch sản xuất tập trung; sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; khắc phục kịp thời những thiệt hại, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng hằng năm.   
  
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu. Để các mô hình phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, đánh giá khách quan hiệu quả và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất của người dân như: hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; nạo vét kênh mương, thủy lợi và kiểm soát tốt nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất; theo dõi và dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi để thông báo, hỗ trợ nông dân phòng, chống… Cùng với đó, ngành phối hợp với các địa phương mời gọi các doanh nghiệp đến hợp tác liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất của người dân.

Nhận thấy, tình hình biến đổi khí hậu ngày một ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Do đó, từ nhiều năm nay, tỉnh Đắk Lắk áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh (các giống lúa lai, các giống cà phê lai tạo…); phát triển hệ thống nông lâm kết hợp; áp dụng trồng xen canh trong sản xuất cà phê... cũng giúp điều hòa nhiệt hoặc trồng cây che phủ đất để giữ ẩm cho đất. Điều này cũng giúp nông dân đa dạng hóa thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để khắc phục tình trạng khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai các biện pháp giúp nông dân giảm bớt thiệt hại và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đang phối hợp cùng chính quyền địa phương nhân rộng các mô hình đa dạng hóa cây lâu năm trong các vườn cà phê. Đây được xem là giải pháp không những góp phần duy trì, phát triển hệ thống nông nghiệp bền vững mà còn tăng hàm lượng hữu cơ trong đất, tăng hiệu quả kinh tế cho các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên.

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường đã tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật mới và cung cấp cho nông dân những hỗ trợ như phân bón phù hợp với từng vùng, từng loại đất và các thay đổi của khí hậu là một trong những nội dung rất quan trọng giúp người dân chống biến đổi khí hậu và có điều kiện làm kinh tế để thoát nghèo…

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu - Bài 1: Tác động cực đoan của khí hậu
Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu - Bài 1: Tác động cực đoan của khí hậu

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, du lịch...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN