Đây là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc công ty Mekong Organics, có trụ sở tại thủ đô Canberra, Australia. Công ty Mekong Organics là đơn vị vừa được Chính phủ Australia chọn thực hiện Dự án thúc đẩy phát triển công nghệ nông nghiệp hữu cơ, chứng thực và thương mại nông sản hữu cơ giữa Việt Nam và Australia trong khuôn khổ Chương trình thí điểm tài trợ Cam kết Tăng cường kinh tế Australis-Việt Nam (AVEG).
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, người cũng đang là giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Australia và đã có 20 năm công tác tại Đại học An Giang, cho biết, qua tiếp cận báo cáo của nhiều nghiên cứu khoa học mới về ngành công nghiệp nông nghiệp hữu cơ trên thế giới, ông nhận thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam còn rất lớn, với xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp hữu cơ trên thế giới như hiện nay, đặc biệt là tại các thị trường Mỹ, Châu Âu, Canada và Australia.
Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có rất nhiều lợi thế để chuyển đổi sang hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, ngang tầm với các nền nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ, đồng bằng sông Cửu Long có hơn 170.000 ha trồng lúa không sử dụng hóa chất trên nền ruộng nuôi tôm (mô hình lúa-tôm), là một trong những lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người ở đây. Việc chuyển đổi từ sản xuất nông sản chất lượng thấp sang chất lượng cao là rất cấp bách nhằm cải thiện thu nhập cho nhà nông, cải thiện môi trường cho cộng đồng, và thích ứng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, theo phân tích của ông Tim Marshal, Tổng giám đốc công ty TM Organics và là Chủ tịch Cơ quan chứng nhận hữu cơ thuộc Hiệp hội nông nghiệp bền vững Australia (National Association of Sustainable Agriculture Australia - NASAA), thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ tại Australia đạt 2,5 tỷ AUD (gần 2 tỷ USD) vào năm 2019. Thị trường này không ngừng tăng trưởng với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng như sản phẩm chế biến, làm đẹp, may mặc, xuất hiện ngày càng nhiều trong các chợ nông sản, các siêu thị, nhà hàng và quán café. Tuy nhiên, sản xuất nội địa ở Australia hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Do cung thấp hơn cầu trong thị trường nông sản hữu cơ tại Australia, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền cho rằng tiềm năng nông sản hữu cơ từ Việt Nam vào thị trường này là khá cao trong những năm tới, nhất là các sản phẩm chế biến như các loại nước chấm, mứt, quả đóng hộp, rau củ sấy khô hay đông lạnh, hạt điều được kiểm soát nhiệt độ kho trữ, gạo và các sản phẩm sau gạo như bún, phở, thủy hải sản, nước cốt dừa, đường thốt nốt, cà phê, dược liệu, gia vị (tiêu, quế hồi) …
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền nhận xét các sản phẩm chế biến có thể nhập khẩu thuận lợi vào Australia trong khi các sản phẩm thô rất khó vào vì phải đáp ứng các yêu cầu rất cao về an ninh sinh học đối với nông sản nhập khẩu.
Giới thiệu về Dự án thúc đẩy phát triển công nghệ nông nghiệp hữu cơ, chứng thực và thương mại nông sản hữu cơ giữa Việt Nam và Australia, Giám đốc công ty Organics Mekong cho biết dự án tập trung vào hai nội dung chính trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 5/2022.
Nội dung thứ nhất là tổ chức khóa đào tạo cho 200 học viên là doanh nghiệp, nông trại, hợp tác xã, cán bộ quản lý ngành nông nghiệp, hiệp hội, nhà nông, sinh viên, giảng viên về sản xuất, chế biến, và thương mại nông sản hữu cơ dựa trên kinh nghiệm từ Australia. Tại khóa học, doanh nghiệp và bà con nông dân Việt Nam cũng sẽ được tiếp cận về các tiêu chuẩn hữu cơ của Australia, các tiêu chuẩn về an toàn sinh học khi xuất khẩu vào nước này, và thông tin về thị trường nông sản hữu cơ Australia. Dự kiến khóa học sẽ triển khai từ tháng 11 theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc đi lại giữa hai nước.
Nội dung thứ hai của dự án là tổ chức diễn đàn kết nối thương mại Australia-Việt Nam để nhà nông và doanh nghiệp giữa hai quốc gia có cơ hội giới thiệu về sản phẩm hữu cơ. Diễn đàn sẽ là địa chỉ duy nhất về thương mại nông sản hữu cơ giữa hai nước được phát triển trên nền tảng website của Công ty Mekong Organics.
Ngoài ra, dự án cũng sẽ tổ chức hội thảo trực tuyến để doanh nghiệp và nhà nông Việt Nam và Australia giao lưu, giới thiệu thành quả nghiên cứu khoa học, công nghệ trong sản xuất, chứng nhận, thương mại nông sản hữu cơ, và để đẩy mạnh giao thương.