Về tình hình giá lúa tại thị trường trong nước, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá lúa ở các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định. Tại thành phố Cần Thơ, sau khi phục hồi nhẹ vào tuần trước thì tuần này giá lúa tại đây ổn đinh. Cụ thể, giá lúa Jasmine khô ở mức 6.500 đồng/kg; OM 4218 là 6.500 đồng/kg, IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá lúa vẫn ổn định, như: Đài thơm 8 là 8.400 đồng/kg; ST24 là 8.400 đồng/kg; RVT là 7.450 đồng/kg, OM 4900 là 8.200 đồng/kg… Còn tại Trà Vinh, lúa IR 50404 có giá 7.900 đồng/kg, OM4900 là 7.000 đồng/kg…
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi trên địa bàn địa phương cũng ổn định như: IR50404 là 5.000 - 5.300 đồng/kg; lúa Nhật là 7.500 - 7.600 đồng/kg, OM 5451 là 5.400 - 5.700 đồng/kg. Một số loại có giá tăng nhẹ 100 đồng/kg như: Đài thơm 8 từ 5.900 - 6.000 đồng/kg, OM18 là từ 6.200 - 6.300 đồng/kg. Giá lúa khô trên địa bàn tỉnh trong tuần qua vẫn giữ ổn định. Cụ thể, giá lúa khô IR 50404 tại tỉnh là 7.000 đồng/kg, Nàng Nhen là 11.500 - 12.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang vẫn có sự ổn định. Giá gạo Nhật là 17.000 đồng/kg, nếp từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, Jasmine 14.000 - 15.000 đồng/kg, Hương Lài 17.000 đồng/kg, gạo thường từ 11.000 - 12.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng lúa cả nước 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 20,55 triệu tấn, tăng 673.100 tấn so với cùng kỳ. Sản lượng tăng trong khi diện tích gieo cấy giảm do năng suất lúa Đông Xuân tăng 2,6 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước, đạt ,3 tạ/ha - năng suất cao nhất từ trước đến nay.
Với vụ Hè Thu, trên 147.700 ha diện tích lúa sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch, chiếm 10,2% diện tích xuống giống. Lúa Hè Thu chính vụ ở các địa phương phía Nam vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trổ chín, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tại các địa phương phía Bắc, lúa Hè Thu đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến chắc xanh.
Về mặt hàng cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua tiếp tục có sự tăng rất mạnh, từ 1.300 - 1.400 đồng/kg. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá cà phê tại Lâm Đồng từ 35.100 - 35.200 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg so với cuối tuần trước; tại Kon Tum 35.900 đồng/kg, tăng 1.400 đồng/kg; tại Gia Lai đã chạm mốc 36.000 đồng/kg.
Tuy giá tăng mạnh nhưng theo giới quan sát, người trồng phê đã bán gần hết lượng hàng dự trữ, giao dịch khá chậm. Hiện năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, trung bình 2,6 tấn/ha nhân đối với cà phê robusta và 1,4 tấn/ha nhân đối với cà phê arabica. Việt Nam đứng thứ 3 về diện tích cà phê được chứng nhận bền vững; đứng thứ 2 về xuất khẩu và chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu.
Là địa phương có diện tích cà phê đứng thứ 3 Tây Nguyên với hơn 120.000 ha, nhưng năng suất cà phê của tỉnh Đắk Nông thấp hơn so với các tỉnh lân cận và hiện chỉ đạt khoảng 2,3 tấn/ha. Tỉnh Đắk Nông đang hỗ trợ canh tác cà phê bền vững, nhằm mục đích gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Đó là: xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; hỗ trợ công nghệ tưới tiết kiệm, phát triển vườn ươm cà phê giống đạt chuẩn; tập huấn về tái canh cà phê…
Trong khi giá lúa gạo ở thị trường trong nước ổn định thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu tại các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu khu vực đều giảm trong tuần qua do các thương nhân Việt Nam và Thái Lan đang phải cố gắng cạnh tranh với mức chào hàng tương đối thấp của Ấn Độ. Trong khi đó, đợt phong tỏa xã hội do dịch COVID-19 ở Bangladesh đã làm tăng giá gạo nước này.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ loại 5% tấm giảm xuống còn từ 367 - 371 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, so với mức từ 369 - 373 USD/tấn của tuần trước.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm xuống còn từ 470 - 475 USD/tấn từ 478 - 482 USD/tấn của một tuần trước đó.
Một tin vui cho gạo Việt Nam là mới đây Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã chính thức niêm yết giao dịch gạo thô (ZRE) liên thông với Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago. Đây là lần đầu tiên, mặt hàng gạo được niêm yết giao dịch trên thị trường giao dịch hàng hóa tập trung tại Việt Nam. Việc MXV niêm yết giao dịch gạo được cho sẽ tạo ra một kênh thông tin, cái nhìn toàn cảnh về thị trường gạo thế giới. Từ đó, giá gạo sẽ được công khai và cập nhật nhanh chóng. Người nông dân tránh gặp tình trạng thao túng giá, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Việt Nam cũng sẽ đánh giá được chính xác về cung và cầu của mặt hàng này, giúp họ có lợi thế khi tham gia đàm phán chốt giá xuất khẩu với các đối tác nước ngoài.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống còn từ 420 - 422 USD/tấn, từ 420 - 430 USD/tấn của một tuần trước, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2019.
Các nhà giao dịch gạo cho biết, nhu cầu gạo trên toàn cầu hiện vẫn không đổi vì giá gạo giống của Thái Lan vẫn cao hơn các đối thủ cạnh tranh. Giá cước vận chuyển hàng hóa cũng giữ mức cao. Một thương nhân tại Bangkok cho biết, hiện nay rất khó tìm được tàu và giá cước vận chuyển đã tăng gấp đôi trong những tháng gần đây, khiến các nhà xuất khẩu gạo khó bán hơn.
Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản giao dịch tại sàn Chicago (Mỹ) biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 2/7, với giá ngô và lúa mỳ giảm, còn giá đậu tương tăng.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 9,25 xu Mỹ (1,57%) xuống 5,7975 USD/bushel. Trong khi giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 giảm 12,75 xu Mỹ (1,57%) xuống 6,5275 USD/bushel. Tuy nhiên, giá giá đậu tương giao tháng 11/2021 lại tăng 3,5 xu Mỹ (0,25%) lên 13,99 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource, có trụ sở tại Chicago, lưu ý rằng khối lượng giao dịch trong phiên này thấp hơn bình thường do các nhà giao dịch biết rằng, giá các mặt hàng nông sản giao kỳ hạn sẽ tăng hoặc giảm mạnh vào ngày 6/7 tới, tùy thuộc vào dự báo thời tiết mới nhất.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 20 triệu tấn ngô của thế giới trong giai đoạn 2021-2022. Tuy nhiên, một quan chức phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ đã nâng ước tính nhập khẩu ngô niên vụ cũ của Trung Quốc lên 28 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với ước tính trước đó, do tốc độ nhập khẩu tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Trung Quốc đã nhập khẩu từ 11,5 - 12 triệu tấn ngô của Mỹ và ít nhất 6 triệu tấn ngô từ Ukraine, trong tổng cộng khoảng 17,5 - 19,5 triệu tấn ngô mà quốc gia này nhập khẩu từ các nước trên thế giới.
Xuất khẩu đậu tương của Mỹ trong tháng 5/2021 đạt 46,6 triệu bushel, cao hơn 8,3 triệu bushel so với số liệu của Cơ quan Kiểm tra Ngũ cốc Liên bang (FGIS).
Dự báo thời tiết cho thấy không khí tại bang Iowa (Mỹ) sẽ ẩm ướt hơn một chút, song tình trạng khô hạn có thể tiếp tục diễn ra từ ngày 12/7 tại khu vực Đồng bằng Bắc Mỹ, phía Trung Tây và vùng Prairies của Canada.
Trong báo cáo dự trữ hàng quý của mình, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, nguồn cung ngô nước này hiện ở mức 4,122 tỷ bushel, mức thấp nhất kể từ năm 2014. Dự trữ đậu tương ở mức thấp nhất trong sáu năm là 767 triệu bushel và dự trữ lúa mì là 844 triệu bushel, cũng là mức thấp nhất trong sáu năm.
Số liệu trên đang làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung toàn cầu khi hàng tồn kho ở mức thấp và các khu vực đang canh tác ở Bắc và Nam Mỹ phải vật lộn với thời tiết bất lợi.
Về giá cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London (Anh) biến động ngược chiều. Giá cà phê Robusta giao tháng 9/2021 tăng 6 USD, lên 1.707 USD/tấn, trong khi giá kỳ hạn giao tháng 11/2021 giảm 6 USD, xuống 1.699 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê trên sàn ICE US - New York (Mỹ) có phiên sụt giảm thứ tư liên tiếp. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 giảm 3,35 xu Mỹ, xuống 153,05 xu Mỹ/pound và giá cà phê Arabica giao tháng 12 cũng giảm 3,35 xu Mỹ, còn 155,95 xu Mỹ/pound (1 pound =0,454 kg). Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê tại thị trường New York sụt giảm liên tiếp thời gian qua khi nhiều thông tin cho biết đợt không khí lạnh cuối tháng Sáu ở miền Nam Brazil không gây hại gì đáng kể cho cây cà phê Arabica, vốn đã được di dời về phía Bắc nóng ấm hơn. Trong khi thị trường vẫn còn nguyên áp lực bán hàng vụ mới từ các nhà sản xuất hàng đầu.