Nông thôn mới trên “đất thép” Xuân Lộc

Huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai là địa danh được cả nước và thế giới biết đến với lịch sử hào hùng 12 ngày đêm (từ ngày 9/4/1975 - 21/4/1975) chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân để mở tung cánh cửa thép phía Đông tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc, hai địa phương mang nhiều thương tích của chiến tranh để lại nay đã trở thành hai đơn vị tiêu biểu nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai và được Thủ tướng Chính phủ trao tặng danh hiệu "Huyện Nông thôn mới" vào ngày 24/1/2015.

Đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc

Với địa thế chiến lược là cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông, nên Xuân Lộc có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Đây được xem là “cánh cửa thép” của quân ngụy để bảo vệ Sài Gòn từ hướng Đông. Xuất phát từ nhận định: Đối với toàn tuyến phòng thủ Sài Gòn của địch, Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối liền với Biên Hòa, nên Bộ chỉ huy Chiến dịch và Quân đoàn 4 chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích và đánh chiếm Tân Phong; cắt đường số 2 đi Bà Rịa.

Nông dân xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) sử dụng máy bóc tách hạt ngô ngay trên cánh đồng.Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN



5 giờ 30 phút ngày 9/4/1975, pháo chiến dịch 130 ly (pháo tầm xa của quân đội nhân dân Việt Nam) ở tọa độ 17-5507 (Túc Trưng - Bảo Vinh) gầm vang báo hiệu trận tiến công phòng thủ Xuân Lộc mở màn.

Sau một ngày quân ta đồng loạt tấn công, địch bị thiệt hại nặng nề. Hệ thống bố phòng ở Xuân Lộc bị phá vỡ. Cờ giải phóng tung bay trên các nóc tòa nhà: dinh tỉnh trưởng, khu cố vẫn Mỹ, ty cảnh sát, trụ sở tình báo CIA.

Rạng sáng 15/4/1975, pháo 130 ly của ta bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa, chặn khả năng địch tiếp ứng bằng không lực. Cùng lúc đó, bằng 5 trận vận động tập kích, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã tiêu diệt sinh lực của Chiến đoàn 52 ngụy, thu 12 khẩu pháo và toàn bộ xe tăng của Chi đoàn 3 thiết giáp, tại sở chỉ huy dã chiến của Chiến đoàn 52. Đường số 1 từ Xuân Lộc tới Bàu Cá bị cắt. Đoạn đường 20 cuối cùng từ Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây do ta làm chủ.

Trong hai ngày tiếp theo (16-17/4), Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 ngụy ở Trảng Bom tổ chức phản kích với lực lượng Lữ đoàn 3 thiết giáp có 200 xe tăng, xe bọc thép và Chiến đoàn 8 (Sư đoàn 5 ngụy). Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B của ta đã diệt gọn 1 tiểu đoàn địch, bắt sống hơn 100 tên, đẩy lùi địch xuống Bàu Cá. Trước thất bại không cưỡng nổi, Quân đoàn 3 ngụy buộc phải ngừng phản kích.

Chiều tối 20/4/1975, lực lượng còn lại của địch ở Xuân Lộc tháo chạy, các đơn vị của ta truy kích, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh được giải phóng. Khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đánh sập, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong hơn 10 ngày chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt một lực lượng lớn của địch, gồm những đơn vị mạnh nhất, được tin cậy nhất như Sư đoàn 18, Trung đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, Lữ đoàn 1 dù....

Huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh

Hòa bình lập lại cũng là thời kỳ mà người dân nơi đây phải đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ của chiến tranh để lại. Năm 1991, huyện Xuân Lộc (cũ) được tách thành huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Trong đó, huyện Xuân Lộc gồm những xã xa xôi, hẻo lánh, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trụ cột kinh tế của huyện lúc bấy giờ nhưng cũng chỉ ở dạng manh mún, trình độ sản xuất thấp.

Như Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái nhận xét, Xuân Lộc là huyện miền núi, nghèo, điểm xuất phát thấp, ngoài lao động và đất đai, không có một thế mạnh nào khác. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chọn Xuân Lộc làm điểm để triển khai thực hiện nông thôn mới với phương châm “Xuân Lộc phải đi từ đất và lao động đi ra và lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn để đi lên”.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Xuân Lộc, vai trò của người dân đã được phát huy và thể hiện rõ nét. Trong gần 5 năm bắt tay xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn đầu tư của Xuân Lộc là hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp chiếm hơn 90%. Để có được điều này, Xuân Lộc đã có những cách làm sáng tạo trong việc huy động sức dân để cùng tham gia thực hiện. Một trong những cách làm đó là làm cho dân thấy, dân tin để nhân dân cùng chung tay. Các công trình giao thông được Xuân Lộc thực hiện theo phương châm vừa làm vừa vận động nguồn vốn trong dân, từ đây nhân dân tận mắt thấy được kết quả thực tế nên nhiệt tình tham gia góp công, góp của, hiến đất để xây dựng cùng với Nhà nước. Ông Hoàng Bẻo, người dân ở xã Lang Minh (Xuân Lộc) nói: “Nếu nói không thì chúng tôi cũng khó tin, nhưng nếu làm được thì chúng tôi tin ngay. Mà đã thấy, đã tin thì nhân dân sẵn sàng đóng góp”.

Xuất phát từ một vùng đất “nhiều không”, đến nay hơn 97% đường ấp trên địa bàn huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Trên 0 km trong tổng số gần 420 km đường giao thông nông thôn, đồng thời mỗi xã trong huyện còn có trên 10 tuyến đường tự quản trong khu dân cư đảm bảo các tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Cùng với đó là hệ thống điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, huyện Xuân Lộc đã tập trung vào phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn để nâng cao thu nhập, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội làm khâu đột phá.

Căn cứ quy hoạch nông nghiệp và quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi được UBND tỉnh phê duyệt, huyện Xuân Lộc đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để hình thành các vùng chuyên canh. Trong đó trên 90% diện tích các loại cây trồng đều sử dụng giống mới. Đặc biệt, Xuân Lộc còn được xem là thủ phủ cây ngô lai (bắp) với tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 12 ngàn ha.

Anh Trần Xuân Thắng, là bộ đội giải ngũ về làm ruộng nay đã trở thành “ông vua trồng tiêu” ở xã Xuân Thọ với năng suất tiêu đạt từ 8-11 tấn/ha và luôn ổn định qua nhiều năm. Anh Thắng cho biết, cơ ngơi có được ngày hôm nay gia đình anh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo cán bộ ở xã ấp. Cán bộ đã kịp thời giải quyết các kiến nghị của dân, nhất là trong việc thay đổi cơ cấu trồng, giải quyết khó khăn trong sản xuất. Điển hình như việc đưa các tiến bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông xã luôn đến tận nhà triển khai, cụ thể như giống tiêu anh trồng hôm nay cũng do khuyến nông chuyển giao. Chủ trương xây dựng nông thôn mới đang làm đổi thay đời sống của người dân theo hướng đi lên.

Đến làng Chơro (ấp 3, xã Xuân Hòa), chúng tôi tìm gặp già làng Lý Thị Kiển (58 tuổi), người đã từng làm giao liên cho cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đưa chúng tôi đi trên con đường đang được đổ bê tông vừa mới hình thành, già làng Kiển cho biết: “Vùng này toàn đất cát khô cằn, chỉ có những loại cây chịu được hạn mới sống nổi, năm 2001, Nhà nước cho mỗi gia đình 6 triệu đồng để xây nhà gạch, đồng thời kéo đường điện, đào giếng cho chúng tôi. Đến năm 2002, người Chơro ở đây chính thức xóa mù chữ. Nhiều gia đình có con học đại học, cao đẳng, giờ về công tác tại các cơ quan trong huyện, tỉnh, người dân ai cũng ý thức về việc cho con đi học để có điều kiện sống, làm việc tốt hơn” - bà Kiển tâm sự.

Đến làng người dân tộc Chăm ở xã Xuân Hưng, chúng tôi gặp Trưởng ấp 4 Mohamed Nooru Deer cho biết, làng được hình thành từ những năm 1970, quy tụ người Chăm từ các nơi về đây. Ngày trước, người Chăm chủ yếu khai thác rừng, chăn gia súc, làm lúa và các nghề truyền thống. Hiện làng Chăm có gần 430 hộ và hơn 2 ngàn nhân khẩu, người dân sinh sống tập trung dọc tuyến Quốc lộ 1 và chủ yếu sống bằng nghề nông, đan lát thủ công, hoặc làm công nhân cho các xí nghiệp trong vùng. “Trong 15 năm trở lại đây, huyện đã xây dựng trên 100 căn nhà cho người dân, đổ bê tông các tuyến đường giao thông, kéo điện và nước sinh hoạt cho bà con. Công nghệ thông tin cũng được người Chăm tiếp thu rất nhanh, nhiều gia đình đã mua được máy vi tính để đọc báo, học tập và giải trí… Nhà nước xây dựng cho làng hệ thống thủy nông để làm lúa nước 3 vụ, đầu tư các công trình hạ tầng, xóa đói giảm nghèo. Từ đó, đời sống trong làng dần khởi sắc, tiến bộ, văn minh, 100% trẻ em đến tuổi được đi học, không còn tình trạng mù chữ trong cộng đồng người Chăm”, ông Deer nói.

Từ những thay đổi và cách làm mạnh dạn đó, thu nhập của người dân nơi đây không ngừng được nâng cao. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện chỉ đạt trên 12 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3 lần.

Ông Nguyễn Minh Nhật, Bí thư huyện Xuân Lộc cho rằng, huyện sẽ không dừng lại ở những thành quả đã đạt được, mà năm 2015 này, huyện sẽ tập trung mạnh vào các giải pháp giảm nghèo, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2015 tỉ lệ hộ nghèo của huyện sẽ giảm từ 3,86 xuống còn 2,83%, phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 44,5 triệu đồng/người/năm; đồng thời huyện phấn đấu có thêm 2 xã Xuân Trường, Xuân Thành đạt chuẩn xã nông thôn mới. Riêng xã Xuân Định sẽ là xã đạt chuẩn nông thôn mới so với bộ tiêu chí nâng cao.

Lê Hiền
Hoàn thành nâng cấp quốc lộ Xuân Mai–Hòa Bình trước 28/4
Hoàn thành nâng cấp quốc lộ Xuân Mai–Hòa Bình trước 28/4

Công tác thảm bê tông nhựa lớp hai dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình đã hoàn thành cơ bản, dự kiến trước 28/4 sẽ kết thúc công việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN