Nuôi artemi cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp nhiều lần so với làm muối, nuôi trồng thủy sản. |
Sau nhiều năm sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản không hiệu quả, ông Danh Sin (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) quyết định chuyển sang nuôi artemia trên ruộng muối. Với diện tích 7 ha, mỗi năm ông lãi hàng trăm triệu đồng. Theo ông Sin, mô hình này rất thích hợp với vùng đất, thổ nhưỡng ven biển, đặc biệt hộ dân ít đất, ít vốn đều áp dụng sản xuất được, không đòi hỏi kỹ thuật cao mà lại cho hiệu quả cao, ổn định.
Với những ưu điểm đó, thời gian gần đây tỉnh Bạc Liêu khuyến khích diêm dân làm muối, nhất là diện tích sản xuất muối không hiệu quả chuyển sang nuôi artemia kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Theo đó, vụ mùa năm 2017 này, có khoảng 50 ha đất chuyên sản xuất muối được chuyển sang nuôi artemia, bước đầu phát huy được hiệu quả kinh tế.
Năm nay thời tiết tuy không ổn định, mùa khô ngắn, năng suất đạt thấp nhưng người nuôi artemia cho lãi gần 30 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần so với làm muối. Đa phần người nuôi artemia tham gia vào hợp tác xã, là xã viên nên được hợp tác xã, các tổ chức, cơ quan chuyên môn hỗ trợ vốn, con giống, khoa học kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Trứng Artemia được sơ chế làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản, có giá trị kinh tế cao. |
Hiện giá trứng artemia được doanh nghiệp bao tiêu hơn 1 triệu đồng/kg (trứng tươi) và 5,5 triệu đồng/kg (trứng khô). Với mức giá này, người nuôi artemia thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, nhiều năm qua, sản lượng trứng artemia ở tỉnh không đủ cung cấp cho thị trường và thường xuyên hút hàng, sốt giá.
Ông Cao Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (thành phố Bạc Liêu) cho biết, tỉnh hiện có khoảng 200 hộ nuôi artemia với diện tích hơn 300 ha, tăng gần 100 ha so với năm trước. Theo ông Văn, nuôi artemia thích hợp với thời tiết nắng, thường được nuôi khoảng 6 tháng mùa khô trong năm. Nếu thời thiết thuận lợi, năng suất artemia đạt từ 100- 150 kg/vụ. So với sản xuất các loại thủy sản khác, artemia cho giá trị kinh tế cao, ít rủi ro, thời gian nuôi ngắn, chỉ 3 tháng/vụ.
Theo nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Thu Dung, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu - chuyên gia hướng dẫn nuôi artemia tại thành phố Bạc Liêu, mô hình nuôi artemia là mô hình nuôi có khả năng nhân rộng ở vùng ven biển trên địa bàn tỉnh bởi tính hiệu quả thiết thực. Đây là mô hình sản xuất ít xảy ra dịch bệnh, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Đồng thời, cũng rất phù hợp cho những nông hộ, với mức đầu tư thấp, dễ chăm sóc, quản lý, nhưng lợi nhuận thu được lại khá cao và được bao tiêu sản phẩm.
Kiểm tra con giống artemia trước khi thả nuôi. |
Với những lợi thế trên, tỉnh Bạc Liêu đã quy hoạch, mở rộng diện tích nuôi artemia lên 500 ha vào năm 2020, tập trung ở các địa phương ven biển như thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải…
Theo đó, tỉnh đầu tư hơn 17 tỷ đồng cho dự án, tập trung vào các hạng mục như đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, con giống, hỗ trợ vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ… Trước mắt, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tổ chức kế hoạch sản xuất, vận động các hộ sản xuất nhỏ lẻ, kết hợp tham gia các tổ hợp tác, thành lập các hợp tác xã nuôi artemia, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu.
Artemia là loài giáp xác sống trong điều kiện nước có độ mặn cao từ 60- 120%. Với lợi thế là trứng, artemia sản xuất tại Bạc Liêu có hàm lượng dinh dưỡng cao và chất lượng trứng được đánh giá cao nhất thế giới. Theo đó, trứng artemia ở tỉnh này ngoài cung cấp cho thị trường trong nước như: làm thức ăn cho tôm giống, cua giống, cá cảnh còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp nhiều hộ dân vùng ven biển tỉnh này thoát nghèo.