Về xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam hôm nay không còn “ngột ngạt” bởi rác thải như nhiều năm về trước, mà thay vào đó đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp, thoáng mát đảm bảo vệ sinh. Để có được kết quả đó, phải kể đến công lao to lớn của các hội viên Hội Cựu chiến binh xã, đặc biệt là vai trò của ông Lại Đức Thành, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Hà. Sau 17 năm tham gia quân ngũ với vai trò là lái xe tại Đoàn 559 trên tuyến đường Trường Sơn, năm 1990 đại úy, bệnh binh 2/3 Lại Đức Thành trở về với cuộc sống đời thường cùng gia đình ở thôn Dương Xá, xã Thanh Hà. Về quê sinh sống, tham gia sinh hoạt ở Hội Cựu chiến binh xã, ông thấy làng quê có nhiều thay đổi tích cực, nhất là kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề môi trường nước, không khí, đất bị ô nhiễm bởi thói quen xả trực tiếp chất thải ra môi trường của người dân. Hậu quả là trong những năm gần đây trong xã có nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp, phụ khoa....
Điều này đã làm cựu chiến binh Lại Đức Thành trăn trở suy nghĩ, phải làm thế nào để rác thải được xử lý hết. Nghĩ rồi làm, ông đã một mình chủ động đi thu gom rác thải về rồi đốt mà không hề biết tác hại của việc đốt rác sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ngày nào cũng thế, đều đặn hai buổi sáng sớm và chiều muộn, người dân đều thấy ông dành hàng tiếng đi bộ khắp làng để thu gom rác. Những ngày đầu đi thu gom rác, có những thứ được ông đem về chất ở góc vườn nhà, vợ con quyết liệt phản đối. Còn người dân trong thôn không ngớt xì xào bàn tán và cho rằng ông rỗi hơi nên mới đi lo việc không đâu của thiên hạ.
Mô hình nuôi giun quế bằng rác thải đang rất phát triển ở tỉnh Hà Nam. Ảnh: khoahoc.tv
|
Vẫn một mình kiên trì như người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa năm nào, ông Thành vẫn lặng lẽ đi thu gom rác thải. Một mình thu gom không hết rác của thôn có nghề truyền thống với hơn 300 hộ gia đình và gần 2.000 nhân khẩu nên vừa nhặt rác, ông vừa hô hào bà con trong thôn cùng chung tay với mình. Thấy việc làm của ông Thành phần nào cũng đem lại lợi ích thiết thực là đường làng ngõ xóm được phong quang sạch sẽ, môi trường làng nghề bớt mùi hôi thối nên một số hộ dân cũng đã có ý thức hơn trong việc xả rác ra môi trường. Qua nhiều năm hô hào và thực hiện việc thu gom, tự xử lý rác, ông thấy “Môi trường trong thôn chưa cải thiện rõ rệt, hầu hết người dân vẫn còn thói quen xả rác ra môi trường”. Ông trăn trở phải làm gì để vừa thay đổi thói quen xả rác ra môi trường của người dân vừa biến rác thải thành nguồn thu nhập.
Rồi niềm vui đã đến với người cựu chiến binh tâm huyết. Năm 2008, Dự án Phát triển bền vững dựa vào công đồng khu vực ven đô (CEDO) đã đến và hỗ trợ cho 3 xã của huyện Thanh Liêm là Thanh Hà, Thanh Tuyền và Liêm Tuyền để cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý môi trường. Họ đã chọn ông, người nhiều năm tâm huyết với môi trường làm đại diện. Như nắng hạn gặp mưa rào, ông Thành đã tích cực học tập từ các lớp tập huấn, hội thảo, đồng thời nghiên cứu từ nhiều nguồn sách, báo, internet, truyền hình…để áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường vào làng quê của mình. Đến mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh và nuôi giun quế từ rác thải. Với những kiến thức về bảo vệ môi trường, cựu chiến binh Lại Đức Thành như có thêm sức mạnh. Ông đã mạnh dạn đề xuất và được chính quyền địa phương cho phép thực hiện mô hình thu gom, phân loại rác cho 320 hộ gia đình thôn Dương Xá.
Được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Dự án CEDO nên chỉ sau 6 tháng thực hiện đã có trên 90% hộ gia đình trong thôn phân loại rác thải, chế biến rác hữu cơ thành phân vi sinh, thu gom rác đúng vị trí quy định, góp phần BVMT trong thôn. Vốn quan tâm đến công nghệ xử lý rác, ông hăm hở thực hiện ý tưởng nuôi giun quế tại nhà sau khi tìm đọc những bài báo về việc nuôi giun để xử lý rác sinh hoạt đang được áp dụng phổ biến tại các gia đình ở nhiều nước trên thế giới như Canada, Nhật Bản, Trung Quốc….
Tháng 10/2009, ông mua 15 kg sinh khối giun quế với giá 40.000 đồng/kg (được Dự án CEDO hỗ trợ 15.000 đồng/kg) và làm chuồng hết 400.000 đồng. Nguồn thức ăn để nuôi giun quế chủ yếu là chất thải hữu cơ thải ra từ sinh hoạt và chăn nuôi. Thật ngạc nhiên, lượng giun này có thể xử lý lượng rác thải của cả gia đình ông và một số hộ lân cận. Trong quá trình nuôi giun quế, ông luôn nghiên cứu, tìm tòi phương pháp nuôi giun sao cho có hiệu quả nhất. Ông thấy nuôi giun quế bằng khoanh cống 75cm đem lại hiệu quả cao hơn nuôi trong chuồng, giun phát triển tốt, dễ cho ăn, dễ thu hoạch và chống được chuột, cóc phá hoại. Đồng thời, ông nhận thấy giun quế có thể xử lý hữu hiệu hầu hết các loại rác hữu cơ như phụ phẩm rau củ quả, cơm thức ăn thừa, phân bò, phân trâu…, trừ các loại cứng như xương, vỏ trứng, rác sau khi được giun tiêu hóa sẽ trở thành phân giun. “Việc xử lý rác hữu cơ bằng giun thuận tiện và sạch sẽ hơn nhiều so với kiểu xử lý truyền thống là cho vào túi ny lon và vứt ra đầu ngõ, một loại phân bón rất tốt cho cây trồng”.
Trung bình 1 tuần lễ, mỗi thùng giun sản xuất ra hơn 1 kg phân giun. Phân giun được ông đem bón cho vườn rau còn giun làm thức ăn cho đàn gà, cá. Riêng thu nhập từ việc nuôi giun gần 5 năm qua đã cho gia đình thu nhập bình quân từ 20 triệu đến 25 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, ông còn thu gom rác thải để ủ phân hữu cơ vi sinh. Vào mùa thu hoạch lúa, ông cùng người thân trong gia đình đi đến từng thửa ruộng thu gom rơm, rạ về ủ phân vừa làm thức ăn cho giun, vừa làm phân bón cho lúa và rau màu, tránh việc người dân đốt rơm rạ ngoài đồng gây ra khói bụi, hỏa hoạn và tai nạn giao thông và nhân rộng ra cộng đồng.