Nuôi trồng trở lại sau sự cố cá chết hàng loạt trên sông Cái Vừng

Sau sự cố cá chết hàng loạt xảy ra trên sông Cái Vừng, hầu hết các hộ dân nuôi cá bị ảnh hưởng đã di chuyển lồng bè về nhánh sông Tiền trên địa bàn huyện Hồng Ngự để bắt đầu nuôi trồng trở lại.

Sự cố cá chết hàng loạt xảy ra trên sông Cái Vừng (2/2016), thuộc địa phận giáp ranh giữa hai tỉnh An Giang - Đồng Tháp gây thiệt hại trên 12 tỷ đồng cho 37 hộ dân trên địa bàn 2 xã Phú Thuận A và Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đến nay, hầu hết các hộ dân nuôi cá bị ảnh hưởng đã di chuyển lồng bè về nhánh sông Tiền trên địa bàn huyện Hồng Ngự để bắt đầu nuôi trồng trở lại. Tình hình sản xuất ở đây đã dần đi vào ổn định.

 

Hiện trên dòng sông Tiền thuộc địa phận xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự có gần 200 bè đang nuôi cá giống và cá thương phẩm với các quy mô khác nhau và nhiều chủng loại như điêu hồng, rô phi, lăng nha, cá tra, basa... Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng Trạm Thuỷ sản, huyện Hồng Ngự, đây là một trong những vùng quy hoạch neo đậu bè an toàn về nguồn nước, giúp cá có thể sinh trưởng phát triển tốt. 

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Là một trong những người bị thiệt hại trên 200 triệu đồng trong vụ cá chết hàng loạt trên sông Cái Vừng, bà Nguyễn Thị Lệ, cư ngụ tại ấp Phú Hoà A, xã Phú Thuận A, người có kinh nghiệm nuôi cá lồng bè trên 10 năm, đã di chuyển tất cả các bè cá của gia đình về nhánh sông Tiền, địa phận ấp Long Hưng, xã Long Thuận để nuôi trồng trở lại. Gần 10 tháng thả nuôi, bà Lệ cho biết, vì sông Cái Vừng có lưu lượng nước nhỏ, nước chảy ít nên cá hao hụt nhiều. Về khu vực sông lớn như sông Tiền nuôi thấy tốt hơn, cá phát triển nhanh và khá đồng đều so với nuôi trên sông Cái Vừng.

 

Ngoài việc quy hoạch và chuyển đổi khu vực nuôi hợp lý, để hỗ trợ các hộ nông dân khôi phục lại nghề nuôi cá lồng bè, địa phương còn phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Hồng Ngự thường xuyên kiểm tra môi trường nguồn nước để đảm bảo sự an toàn cho việc tái sản xuất của hộ nuôi. Mặt khác, thông qua các lớp tập huấn cho người dân nắm vững kỹ thuật nuôi cá bè trên sông.

 

Đánh giá về tình hình tái nuôi trồng thuỷ sản của người dân, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết, sau khi tuyên truyền vận động hộ nuôi di dời các lồng bè khỏi khu vực sông Cái Vừng về nhánh sông Tiền, nhánh sông lớn thuộc địa bàn xã Long Thuận để sản xuất thì tình trạng hao hụt giảm đáng kể. Hiện nay, tình hình sản xuất của người dân đã ổn định, cá phát triển rất tốt.

 

Mặc dù việc nuôi cá lồng bè đã ổn định trở lại, nhưng quy mô của từng hộ thì không còn được như trước. Một phần do giá một số loại cá rô phi, điêu hồng đang ở mức thấp, phần khác nhiều hộ còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, do bị thiệt hại nặng nề trong sự cố cá chết đầu năm 2016.

 

Anh Nguyễn Huỳnh Lai, quê ở xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang qua Đồng Tháp đóng bè nuôi cá giống và cá thương phẩm. Anh Lai cho biết, anh đã mất trắng hơn 300 triệu đồng do 8 bè cá rô phi, điêu hồng và lăng nha bị ảnh hưởng gần như hoàn toàn. Hiện tại, anh cũng như nhiều hộ dân khác chỉ sản xuất cầm chừng do thiếu hụt về vốn, phải vay vốn bên ngoài để sản xuất trở lại. "Giá cá thấp, lãi tiền vay nhiều, chưa tính công lao động bỏ ra, người dân nuôi cá chỉ trông vào may rủi của giá cả thị trường để mong xoá hết nợ", anh Lai chia sẻ.

 

Trước những khó khăn của các hộ nuôi, bằng nguồn ngân sách hỗ trợ, xã Long Thuận đã chung tay với người dân xây dựng lại nghề nuôi cá bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ tiền cho người dân bị thiệt hại, ưu tiên nguồn vốn vay... Đồng thời, cũng khuyến cáo các hộ không nên nuôi một chủng loài để chạy theo thị trường, tránh trường hợp cung vượt quá cầu dẫn đến tình trạng rớt giá. Thêm vào đó, người dân không nên nuôi với mật độ quá dày, cần tuân thủ các quy tắc về sử dụng thuốc, thức ăn hợp lý để không xảy ra sự cố đáng tiếc gây thiệt nhiều về kinh tế như trên sông Cái Vừng.

 

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền cũng như nỗ lực của mỗi hộ nuôi cá, một nơi có truyền thống nuôi cá lồng bè tại huyện Hồng Ngự đã được phục hồi trên vùng sản xuất mới. .


Chương Đài (TTXVN)
Mở rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông
Mở rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông

Sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, với quyết tâm không ngại khó, ngại khổ, hàng trăm hộ dân sống dọc bờ sông Gianh chảy qua huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã tự mình tìm hiểu về nghề nuôi cá lồng trên sông để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN