Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, người dân đang đua nhau nuôi tôm nước lợ. Thực tế này đang đẩy các vùng ngọt hóa nhiễm mặn trở lại; nhiều diện tích dừa cũng bị triệt hạ để nhường chỗ cho con tôm. Về lâu dài, những vùng nuôi tôm ngoài quy hoạch sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Bài 1: Khi con tôm lên ngôi
Tôm trúng mùa lại được giá, người dân các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất phấn khởi. Khi chúng tôi đến vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), không khí mua bán rất náo nhiệt, khác hẳn với vùng nuôi cá tra ở Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang. Con tôm đang là cứu cánh của nông dân?
Nhà nông vui như Tết
Anh Lâm Văn Hiếu ngụ khóm 7, phường 1, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đang tất bật thu hoạch tôm trong ao rộng hơn 3.000 m2. Đứng trên bờ líp, mắt không rời chiếc lưới cào cần tới bốn người đang ra sức kéo từ bờ bên này sang tận bờ bên kia, anh Hiếu hồ hởi cho biết: “Bù cho năm trước, năm nay nuôi tôm thuận lợi quá. Vụ vừa rồi, tôi thu hoạch khoảng 1,5 tấn tôm, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, tôi lãi gần 300 triệu đồng. Riêng với lứa tôm đang thu hoạch này, tiền lãi thu được chắc cao hơn nữa vì hiện thương lái đang mua với giá cao hơn so với vụ trước”.
Mẻ lưới đầy ắp tôm đầu tiên của anh Lâm Văn Hiếu ở phường 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. |
Cách vuông tôm của anh Hiếu không xa, bà Võ Thị Út - thương lái thu mua tôm, đã chuẩn bị những thùng nhựa lớn chứa đầy nước và đá lạnh để vận chuyển tôm đến nhà máy. Bà Út cho biết: “Giá tôm nguyên liệu tăng cao liên tục từ tháng 9 đến nay. Hiện giá thu mua tôm sú loại 20 con/kg là 300.000 đồng, loại 30 con/kg giá 220.000 đồng, loại 40 con/kg có giá 190.000 đồng, 50 con/kg dao động từ 170.000 - 180.000 đồng tùy màu sắc của tôm. Tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg có giá 190.000 đồng và loại 100 con/kg có giá 120.000 đồng”.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, sản lượng thu hoạch tôm toàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt 48.000 tấn. Đặc biệt, giá tôm tăng so với cùng kỳ năm trước từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bến Tre, các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú có hàng ngàn vuông tôm nuôi thâm canh, quảng canh với diện tích hơn 5.400 ha đã thu hoạch. Người dân đang gấp rút cải tạo để chuẩn bị cho vụ tôm mới. Còn tại huyện ven biển Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), nhiều hộ nuôi tôm cũng phấn khởi vì tôm vừa được mùa lại trúng giá. Bà Trần Thị Tuyến, hộ nuôi tôm tại ấp 5, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, khoe: “Tôi vừa bán gần 1 tấn tôm sú cho thương lái. Trừ hết chi phí, tôi thu lãi gần 200 triệu đồng. Người nuôi tôm năm nay phấn khởi vì chỉ cần điện thoại là thương lái tới”.
Đua nhau nuôi tôm
Vào năm 2012, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn, môi trường nuôi tôm rất bất lợi khiến con tôm bị bệnh, chết hàng loạt. Kéo theo đó là tình trạng nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ phải “treo” ao. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, người nuôi tôm ở các huyện ven biển của các tỉnh trong vùng ĐBSCL đã qua thời khó khăn, và đang tập trung tái sản xuất. Không chỉ những ao tôm tạm ngưng do dịch bệnh được đầu tư nuôi trở lại mà nhiều ao tôm mới cũng đã xuất hiện.
Theo đánh giá của ngành thủy sản, tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh…, lĩnh vực nuôi tôm nước lợ đang có sự phát triển khá mạnh. Hiện nay, diện tích vùng nuôi tôm tăng mạnh, thậm chí có nơi diện tích nuôi tôm vượt ra khỏi kế hoạch của ngành nông nghiệp.
Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), cho biết: “Năng suất nuôi tôm công nghiệp vào khoảng 4,5 tấn/ha bởi điều kiện nuôi thuận lợi, dịch bệnh giảm đáng kể. Mặt khác, giá tôm thương phẩm ở mức cao khiến người dân đầu tư xây dựng mới và cải tạo lại ao hồ để tái đầu tư. Chỉ tính trong tháng 10/2013, huyện Cầu Ngang đã tăng thêm 200 hộ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng”.
Tại Trà Vinh, hiện diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng đã đạt 27.000 ha, vượt 7.000 ha so với kế hoạch của tỉnh. Còn tại tỉnh Sóc Trăng, theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn đến thời điểm này đạt trên 41.700 ha, tuy chưa vượt kế hoạch năm 2013 (52.000 ha) nhưng đã tăng mạnh so với năm 2012.
Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi của ngành nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, tốc độ phát triển như vậy cho thấy đang có việc chạy đua theo phong trào khi con tôm được giá và đặt ra cho ngành chức năng về nguy cơ thả nuôi tràn lan, vượt tầm kiểm soát, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Mặt khác, theo nhiều chuyên gia và các nhà quản lý, không có ngành, lĩnh vực cây trồng, vật nuôi nào mang đến nhiều rủi ro và cho “siêu” lợi nhuận như con tôm. Thực tế, tình hình nuôi tôm còn rất nhiều vấn đề bất cập như: công tác quản lý giống chưa hiệu quả, hệ thống thủy lợi nội đồng có nơi chưa đáp ứng được nhu cầu… và đặc biệt, ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường chưa cao. Nhiều hộ dân tự ý chuyển đổi, phá vỡ quy hoạch vùng ngọt hóa để nuôi tôm, chạy theo những lợi ích trước mắt mà không thấy được những hệ quả xấu về sau. Do vậy, yêu cầu phát triển bền vững ngành nuôi tôm là một yêu cầu bức thiết.
Bài và ảnh: Anh Đức
Bài 2: Con tôm phá vỡ quy hoạch