Nước thải “bao vây”
Vừa bước chân đến cổng làng Ngọc Lũ đã có thể thấy không khí đặc quánh mùi xú uế từ các trang trại nuôi lợn. Anh công an viên tên Tới dẫn chúng tôi đi “thị sát” quanh làng. Khắp các rãnh, mương nước, ao, hồ từ đầu đến cuối xã đều đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bởi mỗi ngày, hàng trăm trang trại chăn nuôi tại xã Ngọc Lũ thải hàng nghìn khối nước và hàng trăm tấn chất thải ra môi trường.
Bề ngầm chứa nước thải của nhà máy xử lý nước thải bị bỏ hoang nhiều năm. |
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Trạm y tế xã Ngọc Lũ, tại đây, mùi hôi thối nồng nặc hơn chỗ khác. Phía trước cổng trạm y tế xã là khoảng hơn 3 ha ruộng bị bỏ hoang, nước dưới ruộng đen ngòm, thi thoảng có chỗ cỏ mọc xen lẫn rau muống, bèo, khoai dại, còn chủ yếu là những ụ đất lởm chởm cây cỏ đã chết héo. Anh Tới cho biết, cống nước thải tại đây thường xuyên bị quá tải và tắc do quá nhiều rác nên nước thải tràn hết cả vào ruộng đồng, lúa cứ cấy xong là chết nên giờ không ai cấy nữa. Nước thải cũng ngấm vào hai chiếc ao ngay cổng trạm y tế nên không thể nuôi thả cá như trước đây và trở thành ao bèo, nước đen quánh.
Tại xã Ngọc Lũ, đội 1 và đội 12 là nơi có số hộ nuôi và có số đàn lợn lớn nhất của xã. Ông Trần Hiển, chủ một trại lợn cho biết, gia đình đã nuôi lợn cả chục năm nay. Trong khu chuồng rộng 300 m2 có khoảng hơn 100 con lợn thịt cộng nái, chưa tính số lợn con theo mẹ. Hiện nhà ông Hiển đã xây dựng hầm biogas nhưng cũng chưa xử lý hết được số nước thải từ trang trại nên phải xả thẳng ra mương. Ông Hiển cũng thừa nhận, làng Ngọc Lũ quá ô nhiễm, ngày mưa thì đỡ, ngày nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng rất nhiều. Hiện con mương quanh xã đã đặc quánh bùn, nước đen ngòm, nhiều hộ phải xả cả chất thải ra vườn, thậm chí là ruộng lúa....
Những con mương đen ngòm, bốc mùi hôi thối bao quanh xã. |
Gia đình ông Hiển có hơn 5 sào ruộng nhưng vài năm nay đã không còn cấy lúa nữa, bởi năng suất không được là bao, và đồng ruộng ô nhiễm, cấy lúa xong rồi mất trắng. Bà Trần Thị Nhung, Đội 11 cho biết, hầu hết những ruộng ở gần mương là không sản xuất được, lúa cấy rồi chết. “Người lội xuống về là ngứa ngáy tay chân, cỏ cũng chết huống hồ là cây lúa. Hiện nhiều nhà bỏ làm ruộng rồi. Không biết đến bao giờ mới bớt ô nhiễm được”, bà Nhung than thở.
Ám ảnh bệnh tật, ung thư
Không chỉ sống chung với ô nhiễm nặng nề, người dân xã Ngọc Lũ cũng đang phải sống với sự ám ảnh về bệnh tật, ung thư. Mỗi năm, trung bình có khoảng 7 - 8 người trong xã chết vì ung thư. Chị Trần Thị Phương, trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Lũ cho biết, khoảng gần chục năm nay, toàn xã có khoảng 100 người mắc bệnh ung thư. Số người dân mắc ung thư ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, chủ yếu là ung thư vòm họng, ung thư gan, ung thư trực tràng. Có những hộ không chăn nuôi cũng bị ung thư.
Tìm đến nhà bà Đào Thị Tịnh (75 tuổi) tại đội 11, căn nhà ngói cũ kỹ, không có đồ đạc gì đáng giá, hiện chỉ có 3 bà cháu côi cút nuôi nhau. Con trai và con dâu bà Tịnh đã mất vì bệnh ung thư vài năm nay. Gia đình bà thuộc diện nghèo, may nhờ họ hàng cưu mang nên hai cháu còn được đi học. “Làng này cũng nhiều người mất vì ung thư lắm. Mùi hôi thối tràn ngập, rồi nước giếng đã lọc qua cát vẫn có màu vàng với mùi thum thủm. May mà 2 - 3 năm nay đã có nước sạch của nhà máy, chứ dùng nước giếng nữa thì chắc còn nhiều người mắc bệnh”, bà Tịnh cho biết.
Ông Trần Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ thừa nhận, việc chăn nuôi quy mô lớn tại xã đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện toàn xã có 1.600 hộ chăn nuôi với tổng quy mô khoảng 64.000 - 70.000 con/lứa, mỗi ngày xả ra hàng nghìn khối nước thải, chưa kể đến chất thải khác. Vấn đề môi trường hiện rất bức xúc tại địa phương.
Về tình trạng ung thư, ông Thiện cho rằng có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều người nghi ngờ do ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa xác định được nguyên nhân chính xác. “Chúng tôi đã yêu cầu các hộ chăn nuôi tăng cường làm hầm biogas, thu gom chất thải sau chăn nuôi để xử lý ban đầu vào các hố rác tập trung để giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ xả thẳng chất thải chưa qua xử lý ra kênh mương”, ông Thiện cho biết.
UBND xã Ngọc Lũ đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét để giải tỏa tâm lý hoang mang của người dân về tình trạng ô nhiễm và nhiều người mắc bệnh ung thư. “Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành nghiên cứu xem xét tìm ra nguyên nhân gây bệnh, đồng thời có tư vấn định hướng để giúp cho bà con chăn nuôi bền vững”, ông Thiện kiến nghị.