Giá dầu có thể tăng cao
Ngày 2/4, OPEC+ cho biết kế hoạch tự nguyện cắt giảm nguồn cung dầu thô tổng cộng 1,66 triệu thùng/ngày với phần lớn các đợt cắt giảm dự kiến bắt đầu từ tháng 5 tới và kéo dài đến cuối năm 2023.
Ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia cao cấp của Viện dầu khí Việt Nam cho biết, khoảng 0,5 triệu thùng/ngày trong đợt cắt giảm này là từ Nga cho đến hết năm 2023. Theo đó, tổng khối lượng cắt giảm OPEC+ (OPEC, Nga và một số nước khác) sẽ tương đương khoảng gần 2% khối lượng cung dầu thô thế giới mỗi ngày. Đây là khối lượng cắt giảm không nhỏ.
Theo khối lượng sản xuất trung bình năm, khối lượng cắt giảm lớn nhất thuộc về một số nước như Nga, Saudi Arabia, Iraq, Kuwait, UEA với tỷ lệ cắt giảm chiếm khoảng 4,7 - 4,8% tổng sản lượng mỗi nước.
Việc cắt giảm sản lượng với tỷ lệ lớn và quyết định rất nhanh chóng của OPEC+ đã ngay lập tức ảnh hưởng lên giá, giá dầu tăng khoảng 5 USD/thùng (tương ứng hơn 6%) trong phiên giao dịch ngày 3/4 và dự báo có thể tiếp tục giữ đà tăng trong ngắn hạn, chuyên gia Đoàn Tiến Quyết cho hay.
Hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy) đánh giá quyết định mới nhất của các thành viên OPEC+ sẽ khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn và đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm nay, với giá dầu Brent có thể chạm mức 110 USD vào mùa hè này.
Các nhà phân tích và giới giao dịch đều cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng bổ sung bất ngờ của OPEC+ có thể đẩy giá dầu quay trở lại mức 100 USD/thùng, khiến thị trường thắt chặt hơn và thúc đẩy các nhà máy lọc dầu đa dạng hóa nguồn cung.
Trong khi đó, nhà phân tích cao cấp Ipek Ozkardeskaya tại Swissquote Bank cho rằng, mặc dù giá dầu có khả năng sẽ tăng lên 90 USD/thùng hoặc thậm chí 100 USD/thùng, nhưng việc duy trì các mức này sẽ rất khó.
Vì vậy, cần có nhiều đánh giá, phân tích chuyên sâu để thấy rõ hơn ảnh hưởng của quyết định cắt giảm này tới thị trường cũng như việc nhập khẩu sản phẩm xăng dầu cho phần còn lại của năm 2023, chuyên gia Đoàn Tiến Quyết cho biết.
Dự trữ đủ dầu thô
Trong năm 2022, Nhà máy lọc dầu Dung Quất của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sử dụng khoảng 7,4 triệu tấn dầu thô nguyên liệu với tỷ lệ khoảng 76% từ nội địa và 24% từ nhập khẩu. Lượng nhập khẩu dầu của BSR gồm các nguồn dầu từ Libya, Malasia, Gabon, Mỹ, Azerbaijan…; trong đó, Libya, Gabon là các thành viên của OPEC có khối lượng dầu BSR sử dụng chiếm khoảng 42% khối lượng nhập khẩu sử dụng cho nhà máy. Như vậy, ảnh hưởng của đợt cắt giảm này cũng có thể khiến các nhà máy lọc dầu Việt Nam phải nhập khẩu các loại dầu với chi phí cao hơn cũng như phải chủ động đàm phán, tìm kiếm các các nhà cung cấp, lô dầu phù hợp trong rổ dầu thô đã được chế biến thử và phù hợp với cấu hình của các nhà máy, chuyên gia Đoàn Tiến Quyết dự báo.
Về nguồn nhập khẩu sản phẩm xăng dầu vào Việt Nam, theo số liệu năm 2022, khối lượng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu khoảng 9 triệu tấn; trong đó, nguồn nhập khẩu lớn nhất là Hàn Quốc, Singapore, Malaysia.
Nhìn chung, nhu cầu sản phẩm xăng dầu thế giới và Việt Nam đang có tốc độ tăng không lớn do kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu năm 2023, còn các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh Châu Âu vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đảm bảo khống chế lạm phát cùng suy thoái kinh tế. Vì vậy, tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu dự báo sẽ ở mức 100 triệu thùng sản phẩm/ngày.
Trong khi đó, việc giá dầu có thể tăng cao trong giai đoạn tới làm cho giá sản phẩm, thông thường đồng pha với giá dầu cũng đi lên và có thể giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Xét ở góc độ tổng thể, điều này làm giảm cầu và cũng khiến cho cân bằng cung cầu bám sát nhau hơn, các lựa chọn về nguồn nhập sản phẩm của Việt Nam cũng không gặp nhiều khó khăn, chuyên gia Đoàn Tiến Quyết dự báo.
Như vậy, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ khiến các nhà máy lọc dầu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể đối mặt với một đợt tăng giá nguyên liệu đầu vào mới. Thị trường sản phẩm cũng sẽ thắt chặt, xu hướng giá sản phẩm gia tăng dự báo kìm hãm tốc độ tăng của nhu cầu trong phần còn lại của năm 2023.
Với vai trò cung ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, cả hai nhà máy lọc dầu tại Việt Nam là Dung Quất và Nghi Sơn đều chủ động dự trữ dầu thô cho sản xuất.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Ngọc Dương - đơn vị đang vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết, việc cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ không ảnh hưởng gì về khối lượng nguyên liệu dầu thô đầu vào của Nhà máy Dung Quất do BSR đã ký hợp đồng dài hạn từ nhiều tháng trước cũng như lượng dầu thô nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 30%, số còn lại là mua từ các nhà thầu trong nước. Cụ thể, tại thời điểm hiện nay, BSR đã dự trữ đủ khối lượng dầu thô cho Nhà máy Dung Quất hoạt động trong tháng 4, tháng 5, riêng tháng 6 đã gần đủ.
Trong quý II này, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có kế hoạch chạy 104% công suất thiết kế và phấn đấu chạy ở mức cao nhất từ 108 - 110% công suất thiết kế theo nhu cầu thị trường để tối ưu hoạt động cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường.
Tuy nhiên, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng có thể khiến giá dầu thô thế giới tăng lên trong các tháng tới đây. Vì vậy, giá nguyên liệu đầu vào của BSR có thể bị đẩy lên theo giá dầu thế giới, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương dự báo.
Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) kiêm Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho biết, NSRP đã ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp dầu thô là KPC (Kuwait). Bên cạnh đó, KPC cũng là nhà đầu tư của NSRP nên việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ gần như không tác động đến việc cung ứng nguyên liệu dầu thô đầu vào cho NSRP. Hiện NSRP đang nỗ lực duy trì vận hành sản xuất ổn định để đảm bảo nguồn thu tài chính chủ động trong việc nhập khẩu dầu thô.
Trong khoảng 10 ngày đầu tháng 1/2023, Phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi (RFCC) đã tạm dừng để bảo dưỡng kỹ thuật, trong khi các phân xưởng khác của Nhà máy vẫn duy trì vận hành ổn định. Ngay sau khi phân xưởng RFCC được khởi động và đưa vào vận hành trở lại, Nhà máy đã duy trì hoạt động ở công suất cao, hơn 100% trong tháng 2 và tháng 3, đảm bảo cung ứng sản phẩm xăng dầu theo các hợp đồng đã ký kết với bên bao tiêu (PVNDB). Tổng kết quý I 2023, NSRP đã cung cấp ra thị trường khoảng 1,9 triệu m3 xăng dầu các loại.
Trong quý II này, Công ty tiếp tục tập trung các nguồn lực để duy trì vận hành ổn định ở 100% công suất cũng như phối hợp chặt chẽ với PVNDB nhằm đảm bảo nguồn cung sản phẩm xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước.