Tranh mua cửa hàng bằng mọi giá Trong chiến lược phát triển của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam hiện nay, mua/thuê/xây dựng mới cửa hàng kinh doanh xăng dầu là một trong những ưu tiên quan trọng để nâng thị phần bán lẻ của doanh nghiệp trên thị trường “màu mỡ” này.
Chính vì vậy, thị trường mua bán lại cửa hàng xăng dầu, mua đất xây dựng mới cửa hàng xăng dầu mới đang “sốt” xình xịch.
Cửa hàng xăng dầu số 52, thuộc Tổng Công ty xăng dầu Petrolimex, số 32 Tân Mai, Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Theo Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Bình Thuận, Đặng Trọng Diễn, mặc dù tiềm năng phát triển hệ thống bán lẻ của Chi nhánh thuận lợi hơn một số địa phương khác do suất đầu tư vẫn thấp nhưng việc mua cửa hàng xăng dầu hoặc mua đất xây dựng cửa hàng xăng dầu mới cũng rất gian nan, nhất là tạị các khu vực thuận lợi cho việc kinh doanh xăng dầu như dọc quốc lộ 1.
Thực tế là nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác nhau sẵn sàng tranh mua với giá cao hơn giá ban đầu từ 3-5 tỷ đồng để lấy lại cửa hàng xăng dầu của tư nhân hoặc mua đất xây dựng cửa hàng xăng dầu mới, ông Diễn cho biết.
Tại Đồng Nai, việc phát triển cửa hàng xăng dầu còn khó khăn hơn nhiều bởi đây là địa bàn cạnh tranh cao do tập trung rất nhiều các đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn.
Giám đốc Công ty Xăng dầu Đồng Nai (Petrolimex Đồng Nai) Phạm Văn Nam cho biết, hiện Công ty chỉ sở hữu 35 cửa hàng xăng dầu trên tổng số khoảng 396 cửa hàng xăng dầu trong toàn tỉnh và từ năm 2015 đến nay, Petrolimex Đồng Nai chưa thể phát triển thêm được cửa hàng xăng dầu bán lẻ nào.
Nâng chiết khấu giành thị phần Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện thị trường xăng dầu Việt Nam có 29 thương nhân đầu mối được phép xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, tăng hơn gấp đôi so với năm 2014.
Tuy nhiên, thị trường lại có hơn 100 doanh nghiệp phân phối xăng dầu không được nhập khẩu trực tiếp nhưng được quyền mua của nhiều thương nhân đầu mối để phân phối lại khiến cho cạnh tranh trên thị trường xăng dầu ngày một gay gắt.
Theo Giám đốc Petrolimex Lâm Đồng, Chế Lê Phát, Lâm Đồng có 12 đầu mối cung cấp xăng dầu, giữa các doanh nghiệp có sự cạnh tranh gay gắt để giành thị phần trên cơ sở nâng mức chiết khấu.
Thực tế là các đầu mối cung cấp xăng dầu ngoài Petrolimex luôn sẵn sàng chi trả thù lao cho thương nhân nhượng quyền hoặc hộ tiêu thụ công nghiệp với mức cao hơn khoảng 300 đồng/lít so với mức chi trả theo quy định của Petrolimex.
"Thậm chí, Công ty Phúc Sơn, Quế Anh, Mai Sơn đang triển khai chính sách cũng cấp nguồn hàng cho thương nhân nhượng quyền với mức thù lao từ 1.700 - 2.100 đồng/lít. Vi vậy, phương thức nhượng quyền bán lẻ của Petrolimex Lâm Đồng bị thu hẹp tới 50% về số lượng khách hàng và giảm 62% về doanh thu so với năm 2012", ông Phát nhấn mạnh.
Cũng gặp phải những khó khăn tương tự, Giám đốc Petrolimex Đồng Nai Phạm Văn Nam còn cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu của Công ty đang phải cạnh tranh gay gắt với việc kinh doanh xăng dầu không rõ nguồn gốc trên thị trường do mức chênh lệch giá giữa xăng dầu nhập khẩu có nguồn gốc và xăng dầu nhập lậu trôi nổi lên tới 2.000 - 3.000 đồng/lít. Cũng chính bởi nguyên nhân này mà mảng kinh doanh bán buôn cho các hộ công nghiệp của Công ty đang “lao dốc” so với trước đây.
Nâng chất lượng dịch vụ để cạnh tranh Đây là giải pháp mà nhiều công ty xăng dầu trực thuộc Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) đang triển khai trên toàn hệ thống để giữ vững thị phần kinh doanh.
Theo đó, Cửa hàng số 15 trên Quốc lộ 1 của Chi nhánh xăng dầu Bình Thuận đã có cách thu hút xe khách đường dài vào đổ xăng bằng việc đầu tư nhà vệ sinh khang trang sạch sẽ phục vụ hành khách trên xe, phục vụ khăn lạnh và nước mát cho lái xe nghỉ dừng chân.
Nhờ việc nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng mà sản lượng xăng dầu bán ra của cửa hàng đã có sự tăng trưởng ngoạn mục từ mức 80.000 lít/tháng (thời điểm tháng 8/2015) lên mức 300.000 lít/tháng như hiện nay.
Tương tự như vậy, cửa hàng xăng dầu Bình An (huyện Long Thành, Đồng Nai) trực thuộc Petrolimex Đồng Nai đã nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng bằng việc sẵn sàng phục vụ khách có nhu cầu mua xăng dầu 24/7 ngày.
Với các xe chở mủ cao su có nhu cầu bơm xăng ngay tại các nông trường cao su, cửa hàng cũng sẵn sàng chở xăng dầu tận nơi phục vụ. Ngoài việc hỗ trợ lái xe khăn lạnh, nước uống, mì gói, cửa hàng còn lập sổ theo dõi khách hàng để có chính sách tư vấn khách hàng về ngày thay dầu hoặc thông báo ngày vàng khuyến mại cho khách biết.
Nhờ vậy, sản lượng xăng dầu bán ra của cửa hàng đã tăng tới 30% chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, Cửa hàng trưởng Hoàng Anh Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, cửa hàng xăng dầu số 13, Petrolimex Lâm Đồng lại có những bí quyết riêng để trở thành cửa hàng có sản lượng bán ra lớn nhất trong Petrolimex Lâm Đồng với 800.000 lít/tháng.
Cửa hàng trưởng Trần Quang Khởi cho biết, chất lượng xăng dầu của Petrolimex đã được khách hàng tin tưởng từ lâu. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh gay gắt hiện nay trên thị trường, cách duy nhất để “giữ chân” khách hàng nằm ở chính yếu tố con người.
Vì vậy, mỗi một nhân viên cửa hàng đều ý thức nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ, mỗi nhân viên đều có thể trở thành “chuyên viên” quản lý công nợ tiêu hao năng lượng cho các nhà xe làm dịch vụ vận tải có nhiều phương tiện hoạt động.
Với phương châm “Nghiêm cấm tiếp tay tài xế gian lận xăng dầu của chủ xe”, cửa hàng đã giúp các chủ xe tiết giảm chi phí thuê nhân viên kế toán trong việc quản lý tiêu hao xăng dầu. Vì vậy, trong cơ cấu sản lượng kinh doanh của cửa hàng có tới 40% khách hàng là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải tin tưởng mua xăng của cửa hàng.
Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam hiện đang nắm giữ 49% thị phần kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam. Trong chiến lược phát triển năm 2017 và những năm tới đây, Petrolimex sẽ tập trung phát triển mảng kinh doanh bán lẻ, giảm dần việc phát triển các thương nhân nhượng quyền.
Vì vậy, trong 9 tháng qua, Petrolimex đã triển khai nhiều tiện ích phục vụ khách hàng như bản đồ cây xăng trên internet, hệ thống chấp nhận các loại thẻ tín dụng rộng rãi cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng với quy trình 5 bước phục vụ khách hàng.
Ngoài ra, việc triển khai chương trình quản lý EGAS trên toàn bộ hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex trong những năm qua để kết nối tự động dữ liệu từ cột bơm xăng với máy tính tại Tập đoàn, trang bị camera theo dõi bán hàng… đã giúp minh bạch hoá mọi hoạt động kinh doanh và đảm bảo không có việc gian lận trong kinh doanh tại các cây xăng của Petrolimex.