Phá giá đồng NDT không đến mức khiến thế giới "hoảng loạn"

Giới chuyên gia tài chính nhận định động thái điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc không đến mức khiến thế giới hoảng loạn, và nguy cơ suy thoái toàn cầu sẽ không hiện hữu, bất chấp những số liệu ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc cũng như sự suy giảm của các thị trường dầu mỏ và chứng khoán.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn lời chuyên gia kinh tế hàng đầu của tập đoàn Citigroup, ông Willem Buiter cho biết kinh tế toàn cầu "đang ở thời điểm hết sức nhạy cảm", song ông vẫn tin rằng các điều kiện kinh tế sẽ cải thiện trong năm 2016.

Đồng tiền giấy mệnh giá 100 NDT tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/ TTXVN


Theo các nhà kinh tế khác, tình hình hiện tại không giống cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây. Khác với năm 1997, các nền kinh tế châu Á hiện nay có dự trữ ngoại tệ lớn hơn để hỗ trợ nội tệ và các thiết chế tài chính cũng không lung lay như trong cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008.

Theo ông David Rees, chuyên gia kinh tế cao cấp đồng thời là nhà tư vấn thị trường tại tổ chức Capital Economics, các sự kiện gần đây giống với các lần bán tháo mùa Hè vừa qua hơn là các cuộc khủng hoảng ở thị trường đang nổi.

Phản ứng khá bình tĩnh của các nhà kinh tế có thể được lý giải phần nào bởi vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu. Dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng Trung Quốc không được xem là một "đầu tàu".

Chuyên gia Andrew Brigden, thuộc hãng tư vấn Fathom Consulting, đánh giá: "Trung Quốc là một nhà xuất khẩu ròng lớn nhất thế giới, vì vậy thế giới có ý nghĩa quan trọng với Trung Quốc chứ không phải điều ngược lại".

Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích cho rằng yếu tố góp phần ổn định kinh tế toàn cầu hiện nay là sự giảm giá hàng hóa và dầu mỏ, vốn được coi như một sự giảm thuế đối với người tiêu dùng, giúp họ có nhiều tiền để chi tiêu hơn.

Các nhà kinh tế cho rằng chừng nào người tiêu dùng còn sẵn sàng chi tiêu, sự gia tăng sức mua nhờ giá dầu rẻ hơn sẽ bù đắp sự mất mát từ đà giảm tốc kinh tế của Trung Quốc, và điều này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong năm 2016.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn lời Giám đốc điều hành hãng quản lý tài sản Al Masah Capital (Dubai), ông Akber Naqvi nhận định hiện còn quá sớm để nói rằng kinh tế thế giới đang trượt vào một cuộc suy thoái. Theo chuyên gia này, sự suy yếu gần đây của thị trường có thể chỉ là "sự điều chỉnh cần thiết khi các giá trị được định giá ở mức quá cao".

Một báo cáo mới công bố của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đánh giá sự sụt giảm giá hàng hóa trong năm qua, cũng như thực trạng ảm đạm của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng của Trung Quốc gần đây, cùng với đà chững lại của các thị trường mới nổi khác sẽ không thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Trên thực tế, các dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016 dù bị hạ bớt, song vẫn có xu hướng cao hơn năm 2015. Chuyên gia kinh tế Antonio Garcia Pascual thuộc ngân hàng Barclays dự báo các nền kinh tế đang nổi và phát triển vẫn đạt tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2015. Kinh tế thế giới cũng được dự báo tăng 3,7% trong năm 2016 so với mức tăng 3,2% của năm 2015.

TTXVN/Tin tức
Một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ không hiện hữu
Một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ không hiện hữu

Giới chuyên gia tài chính nhận định một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ không hiện hữu, bất chấp những số liệu ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc cũng như sự suy giảm của các thị trường dầu mỏ và chứng khoán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN