Đến nay, những nỗ lực này đã đem lại những kết quả tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những kết quả này vẫn chưa đạt như kỳ vọng và quá trình triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại cần phải có giải pháp tháo gỡ.
Kể từ khi chính thức thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia từ tháng 11/2014, theo khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp vào năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có nhiều phản hồi tích cực.
Cơ chế một cửa quốc gia đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc giải quyết thủ tục hành chính trên cổng một cửa quốc gia đã giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính một cách nhanh gọn và đơn giản, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc hơn nhiều so với phương thức truyền thống trước đây.
Có thể dẫn chứng ở lĩnh vực hải quan, theo báo cáo Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ rất cao, với tỷ lệ 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Hiện cổng thông tin một cửa quốc gia và hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đang được vận hành trên nền tảng cơ sở dữ liệu tích hợp chung, cơ quan hải quan đã xây dựng các tiện ích cho phép công chức hải quan tra cứu, sử dụng các giấy phép điện tử, chứng từ điện tử do các bộ, ngành cấp để thông quan hàng hóa.
Tại Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, thời gian thông quan trung bình cho một lô hàng xuất khẩu không thuế là 1 giờ 16 phút (có thuế là 8 giờ 06 phút), lô hàng nhập khẩu không thuế là 13 giờ 19 phút (có thuế là 52 giờ 40 phút). Thời lượng này vượt mục tiêu chung của ngành và Chính phủ đề ra, bằng và vượt thời gian của nhóm nước ASEAN - 4.
Về quản lý chuyên ngành, thời gian qua các bộ, ngành đã nỗ lực cắt giảm các danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã có những chuyển biến đột phá về quản lý chuyên ngành.
Khảo sát thực tế cho thấy đã giảm khoảng 90% số lượng hồ sơ phải thực hiện thủ tục công bố, kiểm tra an toàn thực phẩm. Tổng cục Hải quan thống kê, tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan giảm được hơn 1/3 số lượng (từ hơn 30% xuống còn 19,4%), góp phần giảm đáng kể tình trạng kẹt cảng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và thời gian.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện tích cực; trong đó, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu đã giảm 6 giờ (còn 56 giờ), bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN - 4. Tuy nhiên, ở các chỉ số còn lại như thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn cách biệt khá lớn, khiến chi phí thương mại ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực ASEAN.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, có hai điểm cần phải lưu ý chính là thời gian nhập khẩu, xuất khẩu ở Việt Nam là 76 và 50 giờ, so với mức trung bình của các nước ASEAN - 4 là 26 và 24 giờ. Điều này sẽ dẫn tới nhiều rủi ro cho doanh nghiệp như chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính, lỡ cơ hội kinh doanh.
Để tháo gỡ vấn đề này, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, các bộ, ngành nên áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành. Cụ thể, bộ ngành áp dụng quản lý chuyên ngành đối với các trường hợp có nguy cơ cao, nhà nhập khẩu có lịch sử vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu, lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật, hàng hóa nhập khẩu là đối tượng bị gian lận, vi phạm pháp luật thường xuyên, hàng hóa thuộc vùng có nguy cơ bị dịch bệnh hoặc dịch bệnh cao.
Ông Nguyễn Văn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng vận tải IANT chia sẻ: "trước đây công ty tôi có nhập một số thiết bị máy móc trong ngành xây dựng, phía hải quan yêu cầu cung cấp một số giấy tờ như COCQ (chứng chỉ chứng nhận chất lượng) và công chứng các loại giấy tờ liên quan đến thiết bị. Thủ tục này rất mất thời gian cho doanh nghiệp. Thay vào đó, ngành hải quan nên thường xuyên cập nhật sản phẩm để giảm bớt những loại giấy tờ không cần thiết".
“Các bộ, ngành cần sớm phân loại hàng hóa để thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Những mặt hàng này có thể là loại hàng hóa máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải…. đã có chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật của nước xuất khẩu”, ông Hoàng kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo thống kê, có khoảng 58% các mặt hàng phải chịu sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hoặc giữa các đơn vị trong bộ. Tình trạng này đã được phản ánh nhiều lần, nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết rốt ráo.
Điển hình, một số doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu đã có đơn hàng được Bộ Y tế phê duyệt chỉ với mục đích sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, khi qua kiểm tra, kiểm dịch động vật, thực vật theo quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2014 (ban hành danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật) thì đã bị xử lý theo các quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bộ Y Tế cho rằng, điều này đã gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến việc cung ứng các mặt hàng nói trên phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.
Do vậy, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ nghiên cứu bỏ thủ tục kiểm tra, kiểm dịch động vật, thực vật đối với các mặt hàng là danh mục dược liệu thuộc danh mục 5 trong Thông tư 45/2016/TT-BYT. Qua vấn đề này, việc rà soát các văn bản chồng chéo giữa các bộ, ngành cần được đẩy nhanh để giảm thiểu rườm rà cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp còn kiến nghị bộ quản lý chuyên ngành chỉ quy định về điều kiện và tiêu chuẩn kiểm tra chuyên ngành, còn thủ tục kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của hồ sơ) nên do cơ quan Hải quan thống nhất thực hiện.
Theo Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính, nếu được Thủ tướng Chính phủ phân công thì phương án này có nhiều thuận lợi vì không phát sinh chi phí lấy mẫu (mẫu này đã được cơ quan hải quan lấy để kiểm tra), tạo đối trọng với các tổ chức thực hiện kiểm nghiệm. Cơ quan hải quan sẽ phát hiện ra hàng hóa không đúng với kết quả tự công bố hoặc tự đánh giá chất lượng sản phẩm ngay từ khi nhập khẩu chứ không phải để vào nội địa mới phát hiện ra; không ảnh hưởng thời gian thông quan hàng hóa.
Hiện nay, kết nối quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành với Cơ chế một cửa quốc gia vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra, hiện chỉ có mới 53/251 thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đáng nói hơn, chỉ có rất ít thủ tục kết nối hoàn toàn, trong khi không ít thủ tục thực hiện online (kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật) nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ gốc (như giấy kiểm dịch) hoặc nộp phí.
Để giải quyết vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, Chính phủ chỉ đạo, bắt buộc tất cả các bộ, ngành phải kết nối tất cả các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia. Song song đó, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần mở “kho dữ liệu” đang thu thập và quản lý, tạo thành kho dữ liệu dùng chung của các các cơ quan nhà nước. Thông qua kho dữ liệu này, các bên khác có thể tiếp cận dễ dàng nhằm nỗ lực bãi bỏ sử dụng hồ sơ giấy trong thực hiện các thủ tục hành chính công.