Thu ngân sách Nhà nước vượt 5,9% Năm 2017, ngành Tài chính đã chủ động, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, điều hành thu - chi ngân sách quyết liệt, giữ bội chi ngân sách và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Tính đến hết ngày 31/12/2017, thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 1.283.000 tỷ đồng, vượt 71.000 tỷ đồng, tương đương vượt 5,9% dự toán và tăng gần 44.000 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Chi ngân sách Nhà nước, đạt gần 76% dự toán; vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 23,5%. Bội chi trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định với mức thực tế là 3,48%, số tuyệt đối là 174.000 tỷ đồng.
Năm 2018, điểm nhấn trong công tác xây dựng thể chế là Bộ đã xây dựng và ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước. Đồng thời trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý nợ công.
Thủ tướng yêu cầu ngành thuế phải cập nhật sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh minh họa. |
Tính đến hết năm 2017, hệ thống khai thuế qua mạng đã phủ rộng hơn với gần 624.000 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt gần 100% số doanh nghiệp kê khai. Số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đạt gần 98%.
Đến 20/12/2017 có 47 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị gần 336.000 tỷ đồng. Công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa đạt trên 132.000 tỷ đồng, trong đó riêng Sabeco thoái vốn thu về gần 110.000 tỷ đồng.
Về nợ công, ước tính đến hết năm 2017 nợ công khoảng 61,3% GDP; nợ Chính phủ khoảng 51,6% GDP, nợ Chính phủ bảo lãnh khoảng 9,1% GDP, nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 45% GDP, đảm bảo trong phạm vi cho phép.
Chính sách thuế phải ổn định từ 5 - 10 năm
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận ý thức trách nhiệm, tinh thần làm việc từ lãnh đạo Bộ đến các cơ quan trực thuộc đã có nhiều cố gắng. Các “Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng…, cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch nhiều địa phương lăn lộn để tìm nguồn thu, đốc thu ở các địa phương, từng địa bàn, từng cơ sở, đã gây ấn tượng mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập và định hướng những biện pháp cấp bách mà ngành tài chính cần thực hiện năm 2018 và thời gian tới.
Đánh giá chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế, vừa qua thay đổi quá nhanh, quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng dẫn chứng: “Nhiều doanh nghiệp bị bắt lỗi khi bị thanh tra, kiểm tra thuế, có doanh nghiệp lỗi nhiều, có doanh nghiệp lỗi ít. Rõ ràng có doanh nghiệp cố tình vi phạm, nhưng cũng có doanh nghiệp bị oan sai do chính sách thay đổi quá nhanh gây ra, là lỗi từ phía cơ quan quản lý Nhà nước”.
Từ đó, Thủ tướng phân tích: “Những thay đổi nhanh như thế chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp đời sống kinh tế xã hội của đất nước, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sát thực tế đời sống, thiếu phản biện, thiếu lắng nghe, cần khắc phục vấn đề này trong chính sách nói chung, đặc biệt chính sách thuế”.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự thay đổi của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài từ 5 - 10 năm.
Bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế
Khẳng định tầm quan trọng của chính sách thuế, Thủ tướng cho rằng trên thực tế, chính sách thuế vẫn có tư duy theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa hướng đến quan điểm bảo vệ quyền lợi cho người nộp thuế. Do vậy, xuyên suốt các luật thuế thì quyền của cơ quan quản lý Nhà nước rất lớn như cấp mã số thuế, kiểm tra, thanh tra, phong tỏa tài khoản, đình chỉ sử dụng hóa đơn, xử lý hành vi vi phạm,…nhưng quyền của người nộp thuế lại rất ít.
Từ thực tế này, Thủ tướng phân tích thêm: “Chúng ta có Bộ Luật tố tụng hình sự, có một quan điểm được thông qua đó là quan điểm suy đoán vô tội, cho nên tại sao trong luật thuế không có điều khoản bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế?”.
Đây chính là yêu cầu cấp bách thể hiện tính ưu việt của cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi bức thiết của người dân và doanh nghiệp trong quá trình phát triển, đổi mới đất nước, nhất là phát triển các loại hình doanh nghiệp, một nền tảng quan trọng để phát triển doanh nghiệp đất nước. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu “việc sửa đổi pháp luật về thuế tiếp theo phải có điều khoản quy định rõ bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế”.
“Mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế
Nêu thực trạng định hướng cơ chế chính sách về thu ngân sách Nhà nước vẫn tư duy theo hướng coi trọng tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành thuế phải cập nhật sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xuất hiện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử trực tuyến, trò chơi điện tử, mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng, google…
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế, trong khi ngành tài chính chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong việc hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này.
Cùng với đó, do chính sách tài chính còn chậm, các quy định tài chính, nhất là thuế chưa theo kịp và tương thích với tiêu chuẩn OECD, Thủ tướng cho rằng các hoạt động chuyển nhượng gián tiếp ngoài Việt Nam giữa các tập đoàn của nước ngoài như chuyển nhượng vốn, chuyển cổ phần, chuyển giao tài sản vô hình, chuyển giao quyền khai thác dầu khí tại Việt Nam thường không thu được thuế, hoặc có thu cũng sẽ xảy ra tranh chấp quốc tế.
Do vậy Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính rà soát lại các chính sách thuế hiện hành, so sánh đối chiếu với chuẩn mực OECD, của Liên Hợp Quốc để điều chỉnh kịp thời và tương thích.
Cho rằng “bài toán” cân đối ngân sách Nhà nước còn chưa khoa học, chưa vững chắc, Thủ tướng nêu thực tế là thu ngân sách quốc gia năm nào cũng vượt, nhưng những năm gần đây các địa phương thì "đủng đỉnh vượt dự toán thu ngân sách sớm", còn ngân sách Trung ương thì phải đến “phút thứ 90” mới đảm bảo thu ngân sách Trung ương. Tình trạng này lặp lại trong năm 2017 nên Thủ tướng chỉ đạo ngành Tài chính phải có giải pháp để ngân sách Trung ương là chủ đạo trong ngân sách Nhà nước.
Nêu lên những bất cập trong công tác quản lý tài sản công của ngành tài chính, Thủ tướng nhấn mạnh: “Công tác quản lý tài sản công vẫn đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. Do đó, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công của đất nước, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặt biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ vẫn còn thực tế một bộ phận cán bộ ngành Tài chính còn nhũng nhiễu, thờ ơ với “sự sống còn của doanh nghiệp”, chưa nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Do đó Thủ tướng mong muốn các “trái tim” đầy nhiệt huyết trong ngành Tài chính có trách nhiệm với xã hội, đối với người dân và doanh nghiệp trong phát triển và dẹp bỏ ngay tình trạng này.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị phát động phong trào “Doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn”, đồng thời yêu cầu ngành Tài chính đưa ra thông điệp: “Cán bộ ngành Tài chính nói không với phong bì, lợi ích từ doanh nghiệp”. Đi liền với đó là kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm, thậm chí đưa ra khỏi ngành những cán bộ công chức hư hỏng.