Từ hội nghị, nhiều kiến nghị, đề xuất mới nhằm kết nối - định hướng - truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng với kiều bào ở các nước cùng hướng về xây dựng quê hương đất nước.
Nhiều cơ hội cho khởi nghiệp
Theo Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP phố Hồ Chí Minh, trong quá trình hội nhập và phát triển, Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho các hoạt động khởi nghiệp. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh đã thành lập 4 Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên cơ sở phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố gồm cơ khí chế tạo, điện tử, chế biến lương thực thực phẩm và nhựa - cao su - hóa chất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ngành cơ khí thành phố cho rằng việc thành lập các ban cho thấy lãnh đạo thành phố kỳ vọng rất lớn trong việc thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp. Đặc biệt, luôn lưu ý đến các ý tưởng của sinh viên, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp kiều bào cùng chung tay hướng đến xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế của khu vực.
Để hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố thành công và vươn xa hơn nữa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong cho rằng, chính quyền thành phố cần có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cho từng lĩnh vực, hoạt động của các Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng các vườn ươm, hệ thống dữ liệu phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ về pháp lý, tài chính, thẩm định các ý tưởng khởi nghiệp, hoạt động kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh nghiệp lớn, với khách hàng để đem lại giá trị thực sự phục vụ cho xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Peter Hồng (Việt kiều Australia) cho rằng, đã là doanh nghiệp thì việc khởi nghiệp, đầu tư ở bất kỳ quốc gia nào cũng được. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp kiều bào khởi nghiệp đầu tư tại Việt Nam cho thấy “cái được” rất nhiều, đó là quê nhà, là sự nỗ lực vươn lên, là ý tưởng sáng tạo từ trong nội lực của mỗi con người Việt Nam. Ông Peter Hồng khẳng định việc cùng ngôn ngữ, văn hóa đã có 50% cơ hội thành công cho doanh nghiệp. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay Chính phủ, chính quyền địa phương đã và đang tạo nhiều cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp kiều bào thì đây là cơ hội tốt nhất để khởi nghiệp và đầu tư tại Việt Nam.
Đánh giá cao ý tưởng “khởi nghiệp địa phương, vươn tầm quốc tế” của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thành phố, nhiều doanh nghiệp kiều bào tin tưởng đây là cơ hội tốt cho giới trẻ, sinh viên trong và ngoài nước học tập kinh nghiệm thực tiễn, thiết thực để cùng tham gia khởi nghiệp. Các chuyên gia, hệ thống vườn ươm khởi nghiệp, doanh nghiệp kiều bào cùng các nhóm dự án khởi nghiệp, sinh viên học sinh đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm quan trọng trong việc khởi nghiệp và kết nối với các doanh nghiệp trên thế giới.
Qua hơn 2 năm, hệ sinh thái khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh đã hình thành và bắt đầu đi vào hoạt động, trong đó nhiều doanh nghiệp đã hình thành, thành công từ các vườn ươm khởi nghiệp. Cụ thể, tại trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh hiện có hệ sinh thái khởi nghiệp ngành cơ khí với không gian tiện ích cho 200 cá nhân tham gia khởi nghiệp. Trong thời gian qua, nhà trường đã hỗ trợ trực tiếp gần 50 dự án và đã có 5 dự án khởi nghiệp, kết nối thành công trở thành doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.
Tạo môi trường cho kiều bào đầu tư
Quy trình và phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu từ ý tưởng nhưng không phải ý tưởng nào cũng thành công. Tại hội nghị các chuyên gia cũng khuyến cáo việc sinh viên bỏ học để khởi nghiệp tìm sự thành công trong cuộc sống là điều không nên.
Ông Dương Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, việc khởi nghiệp cần được nhìn nhận từ góc độ công dân của cộng đồng ASEAN, phải có tầm nhìn thế giới… chứ không chỉ ở địa phương. Doanh nghiệp khởi nghiệp phải hướng đến sản phẩm toàn cầu, làm thay đổi được nhận thức hay hành vi cụ thể của một cộng đồng.
Để khởi nghiệp thành công, người tham gia khởi nghiệp phải có đam mê, có tài năng để nhận định đúng nhu cầu của thị trường hiện tại hoặc trong tương lai; phải là người có thái độ tích cực trong cuộc sống, luôn vững tin việc mình đang làm hướng đến xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho riêng mình. Ông Dương Võ Thành Đăng cho rằng, để xây dựng thành công thương hiệu, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có tầm nhìn, tổ chức hình ảnh, văn hóa doanh nghiệp. Ngoài ra, việc kết nối tốt với các đối tác cũng nâng tầm tư duy, tạo nhiều cơ hội cho những ý tưởng sáng tạo cùng hướng đến thành công chung.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Sinh - Giám đốc Vận hành Tập đoàn IMM Group Việt Nam cho rằng, muốn khởi nghiệp thành công, cần giải quyết cùng lúc nhiều câu hỏi như, tại sao làm, làm để làm gì? giá trị tài chính là gì, đầu tư mang lại lợi ích gì...? Tuy nhiên, để khởi nghiệp, điều đầu tiên cần có ý tưởng, phải biết lắng nghe, định hình khởi nghiệp và phải biết “thổi hồn” vào lĩnh vực mình đầu tư để mang lại giá trị tốt nhất cho cộng đồng và sau đó là cho chính bản mình.
Ông Jonathan Việt Phạm (kiều bào Thụy Sỹ) cho biết, mỗi năm có khoảng 3.000 chuyên gia, doanh nghiệp kiều bào về nước tìm cơ hội khởi nghiệp, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt được mong muốn do việc kết nối còn những khó khăn nhất định. Trong đó phải kể đến hoạt động của các vườn ươm, hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố chưa đa dạng, còn rời rạc; việc xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối chỉ dừng ở mức khiêm tốt so với nhu cầu thực tiễn của các loại hình khởi nghiệp.
Theo ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh, hệ thống dữ liệu hay, các chuyên gia, doanh nghiệp kiều bào là nhân tố quan trọng, giúp cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, doanh nghiệp thành công và thúc đẩy phát triển thành phố. Việc chính quyền cùng doanh nghiệp, giới trẻ, sinh viên trong và ngoài nước xây dựng lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sẽ góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp để cùng nhau “đi nhanh và đi xa hơn”.
Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết hiện trên toàn thế giới có 177.000 doanh nghiệp kiều bào nhưng hiện nay hệ thống dữ liệu chỉ tổng kết ở mức 9.000 đến 10.000, thực chất con số chính thức kết nối chỉ dừng ở mức 3.000 doanh nghiệp. Các chuyên gia, doanh nghiệp kiều bào cho rằng, để thúc đẩy khởi nghiệp cần thiết có sự chung tay của chính quyền, các doanh nghiệp lớn và các trường đại học, cao đẳng để định hướng, hỗ trợ sinh viên hiểu đúng, đầy đủ trước khi tham gia khởi nghiệp, xây dựng thành công cho chính bản thân và cho đất nước.