Từ ngày 9 đến 12/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam - Lễ hội cà phê lần thứ 4 năm 2013 sẽ được tổ chức. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, đơn vị chủ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời PV về việc nghiên cứu phát triển cây cà phê theo hướng bền vững.
Tiến sĩ có thể cho biết vai trò của khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê Việt Nam?
Hiện nay, cả nước có trên 525.000 ha cà phê, với năng suất bình quân đạt từ 1,8 đến 2 tấn cà phê nhân/ha, sản lượng từ 1 triệu tấn cà phê hạt mỗi năm trở lên. Năng suất cà phê của Việt Nam hiện cao nhất trong các nước sản xuất cà phê và gấp 2,5 đến 3 lần năng suất bình quân của thế giới.
Thu hoạch cà phê ở vùng chuyên canh cà phê huyện Đắk Hà (Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam. Việc phát triển cây cà phê đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập cao cho nông dân trồng cà phê. Lần đầu tiên Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Ngay niên vụ 2011- 2012, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn cà phê nhân, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,4 tỷ USD. Trên 90% diện tích cà phê Việt Nam tập trung ở Tây Nguyên đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự cho khu vực. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp to lớn của Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên trong việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác để phát triển cà phê theo hướng bền vững, nhất là lai tạo, tuyển chọn các giống cà phê mới đưa vào sản xuất đại trà.
Cụ thể, Viện đã tập trung nguồn lực lai tạo, tuyển chọn được các dòng cà phê vô tính như: 4/55,1/20, TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13 và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đưa vào sản xuất đại trà thay thế cho các giống cà phê vối cũ, thoái hóa. Đây là các giống cà phê vối có tiềm năng năng suất rất cao, có khả năng đạt từ 4,5 đến 7,3 tấn cà phê nhân/ha, đặc biệt là kích cỡ hạt được cải thiện đáng kể, trọng lượng 100 hạt đạt từ 17 đến 23 gram so với trọng lượng 100 hạt bình quân trong sản xuất lâu nay chỉ đạt 13 đến 14 gram. Tỷ lệ hạt trên sàng 16 đạt trên 70%, đây là chỉ tiêu chính để phân hạng cà phê loại 1. Một trong những ưu điểm nổi bật của các dòng vô tính chọn lọc nữa là khả năng kháng bệnh rỉ sắt rất cao so với chỉ số bệnh biến động từ 0 đến 0,1%. Hiện nay, hàng năm, Viện cung cấp cho các địa phương có sản xuất cà phê, nhất là các tỉnh vùng Tây Nguyên từ 0,5 đến 1 triệu cây giống và trên 200.000 chồi ghép của các giống chọn lọc và 20 tấn hạt lai đa dòng để từng bước thay thế dần các giống cà phê cũ đã thoái hóa, kém hiệu quả kinh tế.
Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cũng chuyển giao đến các nông hộ sản xuất cà phê kỹ thuật ghép cải tạo các vườn cà phê vối kém hiệu quả bằng các dòng vô tính chọn lọc, giảm chi phí đầu tư gấp hàng chục lần so với trồng mới. Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên có trên 8 ha vườn nhân chồi, có khả năng cung cấp trên 4 triệu chồi ghép/năm để ghép thay thế từ 10.000 ha/năm. Kỹ thuật ghép cải tạo không chỉ áp dụng cho các vườn cà phê vối già cỗi mà còn được áp dụng để cải tạo các cây giống xấu trong các vườn cà phê kinh doanh nhỏ tuổi đang khai thác. Thay thế các cây giống xấu và các cây bị rỉ sắt nặng trong vườn cà phê kinh doanh bằng biện pháp cưa rồi ghép các dòng chọn lọc sẽ giúp vườn cây đồng đều hơn về hình dạng, về chất lượng quả hạt, làm tăng thêm năng suất, chất lượng vườn cà phê, nhất là nhân cà phê được cải thiện làm tăng chất lượng cà phê nhân xuất khẩu, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân. Viện cũng chuyển giao đến các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê của cả nước quy trình chăm sóc cà phê vối từ khâu chọn giống đến kỹ thuật trồng âm, trồng cây đai rừng, che bóng, tủ gốc giữ ẩm, tưới nước tiết kiệm, tạo hình, làm bồn ép tàn dư thực vật, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại... Viện cũng khuyến cáo các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê nhân nhanh các mô hình đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây hàng hóa lâu năm như xen cây hồ tiêu leo lên trụ sống là cây lồng mức, bơ, hoặc trồng xen sầu riêng... tăng thêm thu nhập trên từng đơn vị diện tích...
Vậy hướng giải quyết diện tích cà phê hết chu kỳ kinh doanh như thế nào, thưa ông?
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, diện tích cà phê có độ tuổi trên 20 năm sẽ chiếm gần 50% diện tích cà phê của cả nước. Ngay tại Tây Nguyên, vùng trọng điểm cà phê của cả nước, hiện nay đã có trên 100.000 ha cà phê hết chu kỳ kinh doanh và đang đe dọa đến sự ổn định của ngành cà phê Việt Nam. Do vậy, vấn đề tái canh cà phê đã được Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên tập trung nghiên cứu, tìm ra các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để chuyển giao đến cho các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê thực hiện tái canh cà phê hữu hiệu nhất.
Qua kết quả nghiên cứu, hiện nay, Viện đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật canh tác trong tái canh cà phê đối với những diện tích cà phê già cỗi sau 20- 30 năm, hết chu kỳ kinh doanh là phải nhổ bỏ, với các bước cụ thể: Trước hết, các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê sử dụng máy nhổ hoặc đào để đưa toàn bộ thân, cành, lá và bộ rễ ra khỏi vườn cây, sau đó thu dọn hết cây tiến hành cày bừa. Dùng cày một lưỡi, cày ở độ sâu 40 cm hai lượt theo chiều dọc, chiều ngang của vườn, sau đó dùng bừa có răng dài từ 20 đến 30 cm để bừa 2 lần, thu gom toàn bộ rễ cà phê còn sót lại đưa ra khỏi vườn cây để đốt loại bỏ các loại sâu bệnh dịch hại. Trồng luân canh các loại cây trồng khác ít nhất từ 2 đến 4 năm (cây trồng luân canh hiệu quả nhất là ngô, đậu đỗ các loại, bông vải) trước khi trồng lại cà phê.
Khi trồng mới lại cà phê, các nông hộ, doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật từ chọn cây giống sạch, đạt tiêu chuẩn, sử dụng phân hữu cơ bón lót từ 15 đến 20 kg/hố, làm bồn ủ gốc đến trồng cây che bóng, chặn gió, chăm sóc, tưới nước...
Trong thực tiễn sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đã có hàng loạt mô hình tái canh có áp dụng triệt để quy trình tái canh này và đã thu được hiệu quả khá cao như Công ty TNHH một thành viên cà phê Ea Pốk (Đắk Lắk), Thuận An (Đắk Nông) trên diện tích cà phê tái canh sau 3 năm đã cho năng suất bình quân 3 tấn cà phê nhân/ha.
Tiến sĩ có những đề xuất, kiến nghị gì cho công tác khoa học công nghệ phục vụ cây cà phê?
Chính phủ, các bộ, ngành cần tăng cường nguồn lực cho hoạt động khoa học và công nghệ đối với cây cà phê để tương xứng với vị trí của loại cây trồng này trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là chính sách phát triển nhân lực đủ mạnh nhằm thu hút người có trình độ cao làm việc lâu dài ở Tây Nguyên. Xác lập chương trình nghiên cứu tổng hợp từ việc ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác của người sản xuất đến việc lưu thông phân phối của người thu gom, sơ chế và việc tổ chức chế biến, buôn bán của các nhà xuất khẩu (chuỗi giá trị cây cà phê) để có cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê. Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý giống, có kế hoạch hỗ trợ về tài chính để thay thế các vườn cà phê già cỗi ở Tây Nguyên bằng các giống cà phê chọn lọc; đồng thời, hỗ trợ và phát triển chương trình sản xuất cà phê được cấp chứng nhận chất lượng để góp phần không những cải thiện được chất lượng sản phẩm cà phê mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cho người sản xuất, phát triển bền vững cà phê Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!.
Quang Huy (thực hiện)