Phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghiệp

Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam không phải là nghề truyền thống và cũng không có nhiều lợi thế cạnh tranh như nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ được tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến về dinh dưỡng, con giống, chuồng trại…, ngành chăn nuôi bò sữa trong nước đang trên đà phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.


Mở rộng quy mô chăn nuôi


Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), thời gian qua, số lượng và chất lượng bò sữa Việt Nam đã có sự tăng trưởng đột phá. Từ 41.240 con (năm 2000) đến nay cả nước đã có 200.000 con bò sữa. Sản lượng sữa cũng tăng từ 64.700 tấn, nay đạt trên 456.000 tấn, tăng gấp 7 lần so với năm 2001. Tuy nhiên, sản lượng sữa này cũng chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu trong nước. Năm 2013, Việt Nam phải nhập khẩu gần 1,1 tỷ USD sữa để bảo đảm đủ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.

 

Trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Sữa Vinamilk tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN

Chăn nuôi bò sữa đang tập trung ở các tỉnh, thành như: Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh… Nhiều doanh nghiệp trong ngành sữa đã đầu tư lớn cho chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghiệp sử dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và phân phối sản phẩm như: Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH 45.000 con, Công ty Mộc Châu 14.000 con, Vinamilk gần 9.000 con…


Chất lượng đàn bò ngày càng được cải thiện cũng như quy trình nuôi dưỡng được cải tiến nên năng suất sữa/chu kỳ tăng cao, trung bình cả nước trên 5,1 tấn/chu kỳ. So sánh với năng suất sữa các nước trong khu vực như Thái Lan 3,2 tấn/chu kỳ, Indonesia 3,1 tấn, Trung Quốc 3,4 tấn, năng suất sữa của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á.


Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội cho biết: Lượng sữa sản xuất ra đều được tiêu thụ hết, giá sữa ngày càng tăng. Do đó, Hà Nội đang phấn đấu đưa tỷ lệ sữa tươi sản xuất trên địa bàn đáp ứng 35% nhu cầu của thành phố vào năm 2020. Hà Nội sẽ xây dựng 15 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm ở các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ.


Cần chính sách ưu đãi phát triển


Chăn nuôi bò sữa đang xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả, trang trại bền vững có sự gắn kết với vùng nguyên liệu, người chăn nuôi, doanh nhiệp thu mua, chế biến sữa. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến sữa có thị phần lớn đã có chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu như cho vay tín dụng, phát triển mạng lưới thu gom sữa. Tuy nhiên, hiện hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ dưới 5 con/hộ chiếm tỷ lệ cao, gần 37%; từ 5 đến 10 con/hộ chiếm 35,5%. Bên cạnh đó, có đến 22/32 tỉnh, thành mới có kinh nghiệm nuôi từ 3 - 6 năm, chiếm 20% tổng số bò sữa. Phần lớn các hộ chăn nuôi ở các tỉnh này theo phương thức bán thâm canh, sử dụng chủ yếu các nguồn thức ăn thô xanh sẵn có, phụ phẩm trong nông nghiệp, chuồng trại tận dụng, cơi nới, chưa bảo đảm vệ sinh thú y nên hiệu quả sản xuất không cao.


Theo Sở NN và PTNT Vĩnh Phúc, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của một số hộ nông dân còn hạn chế; kiến thức về thú y, phòng bệnh còn yếu kém nên hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, bên cạnh chính sách về đất đai như: chuyển đổi đất trồng cỏ, làm chuồng trại xa khu dân cư rất cần có chính sách cụ thể từ Trung ương về phát triển bò sữa trong thời gian tới.


Theo Sở NN và PTNT Tuyên Quang, để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho 5.000 con bò sữa đến năm 2020, tỉnh sẽ quy hoạch từ 250 đến 310 ha vùng trồng cây thức ăn trên địa bàn huyện Yên Sơn và Sơn Dương. Tuy nhiên, Bộ NN và PTNT cần tiếp tục đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi để phát triển ngành bò sữa. Trong đó, có những chính sách hỗ trợ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, hiện đại trong quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho đàn bò; công tác đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển chăn nuôi bò sữa. Đại diện Sở NN và PTNT TP Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ NN và PTNT cần có quy hoạch cụ thể vùng chăn nuôi bò sữa công nghiệp và đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư; đồng thời xây dựng chương trình quốc gia cải thiện chất lượng bò sữa.


Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Sóc Trăng: Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa, nhất là đối với các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện về đất đai, nhân lực để góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn.


Bích Hồng

Khởi công xây vùng chăn nuôi bò sữa tại Hà Nam
Khởi công xây vùng chăn nuôi bò sữa tại Hà Nam

Ngày 16/7/2014, FrieslandCampina VN đã khởi công xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam)...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN