Năm mới Tân Sửu sắp tới, những nông dân làm du lịch ở Ninh Thuận đang ấp ủ nhiều kế hoạch mới, mong muốn mang tới cho du khách ngày càng nhiều trải nghiệm hấp dẫn khi đến với vùng đất duyên hải Nam miền Trung này.
"Hút" khách từ sản phẩm nông nghiệp
Chỉ cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 7 km, đồng thời nằm trên lộ trình đến nhiều điểm du lịch văn hóa, làng nghề như tháp PoKlong Garai, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt truyền thống Mỹ Nghiệp của đồng bào Chăm, trang trại nho Ba Mọi ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) trong những năm gần đây luôn là điểm dừng chân không thể bỏ qua của nhiều du khách khi có dịp tới Ninh Thuận.
Đứng dưới giàn nho xanh mát, ông Nguyễn Văn Mọi (thường gọi là ông Ba Mọi) - chủ trang trại nho Ba Mọi chia sẻ: Mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch ở trang trại của ông được bắt đầu từ khoảng năm 2010, xuất phát từ niềm tự hào và mong muốn giới thiệu đến mọi người về một đặc sản của địa phương là những trái nho ngọt lành được trồng trên vùng đất ít mưa, thừa nắng.
Ban đầu chỉ đơn giản là mở cửa đón du khách vào thăm vườn; sau đó, cùng với phát triển việc trồng nho theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, trang trại dần tổ chức bài bản hoạt động kết hợp du lịch. Các hoạt động được tổ chức như đưa du khách tham quan vườn, tự tay hái nho, trò chuyện với những người nông dân và tìm hiểu về quy trình canh tác, thu hái, chế biến nông sản, tham quan khu sơ chế, chế biến các sản phẩm từ nho và cả các loại quả như táo, chuối. Sau khi tham quan, chụp hình, du khách còn được mời thưởng thức miễn phí những chùm nho ngọt ngào, những trái táo giòn thơm và ly nước si rô nho thanh mát. Trước khi rời trang trại, du khách thể mua các sản phẩm do cơ sở Ba Mọi chế biến như nho tươi, nho khô, táo sấy, chuối sấy, rượu vang nho, si rô nho… về làm quà.
Đánh giá điểm đến Trang trại nho Ba Mọi, dưới góc độ của chuyên gia nghiên cứu, đồng thời cũng là một du khách, Tiến sĩ Nguyễn Hà Quỳnh Giao (Trường Đại học Sài Gòn) và Tiến sĩ Phạm Đỗ Văn Trung (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Đối với hoạt động du lịch nông nghiệp, nông sản hẳn nhiên luôn được du khách rất quan tâm. Nông sản ở trang trại nho Ba Mọi đã đạt được mức độ hài lòng khá cao của du khách. Bởi vì ở đây, nông sản được trải qua quy trình khoa học xử lý sản phẩm sau thu hoạch khiến người sử dụng rất yên tâm về vệ sinh thực phẩm và đánh giá cao ở khâu đóng gói.
Tương tự điểm đến trang trại nho Ba Mọi, những vườn nho của các hộ nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) nằm ven con đường tuyệt đẹp ven biển mang tên DT702 cũng đang là địa chỉ được nhiều du khách tìm đến.
Chị Nguyễn Thị Phượng - Chủ vườn nho Lang Phượng ở xã Vĩnh Hải cho biết, là nông dân giờ kết hợp làm thêm dịch vụ du lịch, đón khách đến thăm vườn nho, chị đã được những người đi trước như ông Ba Mọi chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý; được các cán bộ Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Ninh Thuận hỗ trợ, tư vấn kỹ năng đón tiếp du khách.
Chị Phượng chia sẻ: Là người trực tiếp vun trồng, chăm sóc từng gốc nho, ban đầu thấy cảnh du khách tới, vội vàng hái nho không đúng cách, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây những lứa tiếp theo, chúng tôi xót lắm. Nhưng được học hỏi kinh nghiệm, được tư vấn, những nông dân như tôi đã hiểu ra và luôn lấy phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” để phục vụ du khách được tốt nhất.
Để giữ được vườn nho luôn đẹp, luôn có những chùm trái căng mọng, đều và dáng đẹp là cả sự kỳ công, người làm vườn phải chú ý để thời điểm nho bung nhụy hoa gặp nắng và gió giàn nho sẽ cho trái đều, đẹp, mọng. Theo chị Phượng, mỗi lứa nho tính từ khi trái bắt đầu đẹp có thể đón du khách cho đến khi kết thúc vụ thu hoạch kéo dài khoảng hơn 20 ngày, sau đó người nông dân lại tiến hành chăm bón, cắt cành để đón vụ nho mới.
Những người nông dân như chị Phượng đã liên kết để những vườn nho trong vùng kết thúc lứa nho “so le” với nhau. Vì vậy, lúc nào du khách đến thôn Thái An cũng có cơ hội để tham quan những vườn nho trĩu quả.
Dự định mới
Ông Hùng Ky (dân tộc Chăm) - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) là người đã đi tiên phong trong trồng cây măng tây ở địa phương. Ông đã cùng các thành viên hợp tác xã tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp từ cây măng tây và từng bước kết hợp với việc đưa du khách đến tham quan vườn trồng, tìm hiểu về loài cây thân liễu cho sản phẩm được ví là loại rau vua, rất cao cấp này.
Hiện, những cánh đồng trồng măng tây ở xã An Hải dù chưa trở thành điểm đến phổ biến, đón nhiều du khách, song rải rác đã có một số du khách sau khi tới đồi cát Nam Cương - điểm đến nổi tiếng với những triền cát nhấp nhô, uốn lượn, cũng nằm ngay trên địa bàn xã An Hải đã kết hợp tham quan vườn trồng măng tây, thưởng thức sản phẩm trà măng tây và mua măng tây tươi về làm quà.
Theo ông Hùng Ky: Hợp tác xã Tuấn Tú với 64 thành viên đều là đồng bào dân tộc Chăm rất tự hào giới thiệu đến du khách về loại cây đặc sản của vùng đất cát bạc màu, được trồng theo hướng hữu cơ và về cách chế biến sử dụng loại đặc sản này.
Năm 2020 vừa qua, ông Hùng Ky - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú vinh dự là một trong những đại biểu nông dân tham dự hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành với nông dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ông Hùng Ky cho biết, tại hội nghị này câu hỏi mà ông nêu liên quan đến phát triển du lịch nông nghiệp, ông đã nhận được câu trả lời mang tính gợi mở rất thiết thực của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng cho biết rất ấn tượng khi từng đến thăm khu vực trồng măng tây của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú và hy vọng trong thời gian tới nông dân ở đây có thể phát triển mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái.
Chuẩn bị bước sang năm mới Tân Sửu, ông Hùng Ky mong muốn việc tiêu thụ sản phẩm măng tây của Hợp tác xã tiếp tục gặp thuận lợi. Bên cạnh đó, Hợp tác xã dự định phát triển hoạt động kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch để du khách đến địa phương sẽ được tự tay thu hoạch măng tây cùng với lộ trình tới đồi cát Nam Cương, tham quan thắng cảnh và khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm.
Còn ông Nguyễn Văn Mọi - Chủ trang trại nho Ba Mọi ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) chia sẻ: Du khách tìm đến tham quan trang trại và mua các sản phẩm được chế biến từ các loại nông sản của địa phương đang ngày càng tăng khiến ông rất phấn khởi. Thời gian tới, trang trại sẽ lắp đặt hệ thống mái che di động tại vườn nho để vừa bảo vệ cây nho trong mùa mưa vừa tạo thuận lợi cho du khách đến vườn tham quan. Ông mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của các cơ quan chuyên môn để mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch nông thôn của ông và nhiều nông dân ở Ninh Thuận có bước phát triển mới, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm hơn khi tới Ninh Thuận
Nói về các sản phẩm du lịch được hình thành từ chính những mô hình sản xất nông nghiệp chất lượng cao của nông dân tỉnh Ninh Thuận, ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho rằng: Đây là hướng phát triển kinh tế mang lại lợi ích kép cho người nông dân và góp phần đa dạng sản phẩm du lịch ở địa phương. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận cùng với các đơn vị liên quan đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với xây dựng thương hiệu, xây dựng thành điểm đến du lịch.