Trong những tháng cuối năm, Hải Dương tăng cường hỗ trợ cho các dự án án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư triển khai thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc kịp thời cho các nhà đầu tư, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư; chủ động tiếp cận và tranh thủ thu hút đầu tư các các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước châu Âu...
Ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, Hải Dương đang tập trung rà soát, đẩy nhanh quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong cơ chế phối hợp giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư, trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường…, nhằm loại bỏ phiền hà tạo điều kiện thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Đồng thời, tỉnh công khai minh bạch, rõ ràng về đầu mối, thời gian giải quyết hồ sơ, đầu mục hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên các trang website nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài; xây dựng quy chế phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm tạo sự thống nhất, thuận tiện, nhanh gọn khi giải quyết thủ tục.
Cụ thể, các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất, thủ tục cấp giấy phép xây dựng, thủ tục về môi trường và các điều kiện đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh, hủy bỏ những văn bản không còn phù hợp; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Danh Tú, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương chia sẻ, để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hải Dương cũng sẽ tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp các thông tin về thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, thông tin về lao động và các dịch vụ hỗ trợ việc làm; hỗ trợ kinh phí đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn các vấn đề pháp lý và hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như thuê đất, giải phóng mặt bằng, xuất nhập khẩu, hải quan.
Đồng thời, Hải Dương cũng xem xét kỹ các yếu tố công nghệ, môi trường, quốc phòng an ninh, đặc biệt lưu ý phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai trong khi thẩm định, giám sát đầu tư đối với các dự án.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương khẳng định, tỉnh sẽ kiên quyết chấm dứt tình dự án không triển khai, chậm triển khai, xử lý các vi phạm về môi trường...; đẩy mạnh kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá của các doanh nghiệp; tổ chức rà soát các dự án đầu tư nước ngoài đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh để có hướng xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; nắm bắt tình hình ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, để kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển luôn yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã đều phải tích cực vào cuộc, đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các giám đốc sở, lãnh đạo các địa phương “nói” phải đi đôi với “làm”, phải thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu những khó khăn, nhu cầu của doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp giải quyết kịp thời. Các cơ quan chức năng phải tạo cơ chế tốt nhất cho doanh nghiệp mới thành lập để đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, trong 5 tháng đầu năm 2020, Hải Dương thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 174,1 triệu USD, chỉ bằng 43,7% so với cùng kỳ 2019; trong đó, tỉnh đã thu hút được 12 dự án với số vốn đăng ký 43,6 triệu USD (9 dự án ngoài khu công nghiệp với số vốn 12,8 triệu USD, 3 dự án trong khu công nghiệp với số vốn 30,8 triệu USD.
Hải Dương cũng có 18 lượt dự án trên địa bàn điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm là 130,5 triệu USD; trong đó có 9 dự án ngoài khu công nghiệp có số vốn tăng thêm là 32,3 triệu USD và 10 dự án trong khu công nghiệp với vốn tăng thêm là 98,2 triệu USD.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong những tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư giảm rõ rệt cả về số lượng cũng như vốn đầu tư, chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ năm 2019. Thời điểm này, các nhà đầu tư sẽ ngần ngại khi đưa ra các quyết định đầu tư mới, đồng thời việc đi lại, nhập cảnh hạn chế để phòng chống dịch cũng ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại Hải Dương, các dự án đầu tư mở rộng vẫn tiếp tục gia tăng phần vốn đầu tư tăng thêm (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019). Đây cũng là những tín hiệu khả quan trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Cụ thể, một số dự án tăng vốn khá, như: Dự án may Tinh Lợi 2, vốn tăng thêm 16,5 triệu USD; Công ty sản phẩm giấy Leo, tăng thêm 20 triệu USD; Công ty TNHH Kỹ thuật Changhong, tăng thêm 19,5 triệu USD; Dự án sản xuất nhôm định hình của LMS, tăng thêm 20 triệu USD.
Hải Dương hiện có 460 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 8.620,2 triệu USD. Trong đó, ngoài khu công nghiệp có 225 dự án với số vốn 4.046,5 triệu USD; trong khu công nghiệp có 235 dự án, với số vốn 4.573,7 triệu USD. Tổng lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) ước đạt 5.595,2 triệu USD. Thu hút trên 203.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.