Người tiêu dùng chọn mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.op mart (thuộc Liên hiệp HTX TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Theo đánh giá và nhìn nhận của các cấp chính quyền hiện nay, trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, kinh tế hộ gia đình, cá thể không thể tồn tại đơn lẻ. Chỉ khi tập hợp các hộ gia đình sản xuất cá thể này lại với nhau mới tạo được một mối liên kết vững chắc, giúp nông dân giảm thiểu những chi phí không cần thiết, gia tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập, làm giàu cho nông dân.
Tăng năng lực quản lý sản xuất Cả nước hiện có hơn 19.000 hợp tác xã, nhưng số lượng hợp tác xã chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012 chưa nhiều. Tuy nhiên, với những hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi, hiệu quả kinh tế mang lại cho các xã viên không nhỏ. Điều này đã được chứng minh trong những năm qua, nhiều hộ sản xuất khi tham gia vào các hợp tác xã đã nâng cao năng lực sản xuất của mình.
Hợp tác xã kiểu mới chính là chuyển cách tư duy sản xuất từ kiểu cũ sang kiểu mới. Theo đó, nông dân phải nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác và hợp tác xã, nhất là trong nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Trong thời gian qua, nhiều nông hộ cũng đã tình nguyện tham gia hợp tác xã và phát triển sản xuất.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2017, doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt hơn 3,5 tỷ đồng, lãi bình quân hơn 200 triệu đồng/hợp tác xã, thu nhập bình quân hơn 35 triệu đồng/lao động/năm. Thậm chí, có nhiều liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng), Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An (TP Hồ Chí Minh), Hợp tác xã Thanh Long Tầm Vu (Long An), Hợp tác xã nông nghiệp Evergrowth (Sóc Trăng), Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản Việt Nam, Liên hiệp HTX Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)….
Theo ông Võ Lợi Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Phú An (An Giang), với mỗi thành viên tham gia vào hợp tác xã, sẽ được hợp tác xã cung ứng sản phẩm dịch vụ theo hợp đồng, được phân phối thu nhập theo mức độ sử dụng dịch vụ và hưởng phúc lợi của hợp tác xã… Đồng thời, mỗi tháng ban quản trị đều tập huấn cho các thành viên phương pháp sản xuất cũng như kỹ thuật quản lý nguồn nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, không còn sản xuất theo kinh nghiệm tự có như trước đây.
Không những vậy, ngoài học tập kỹ thuật canh tác, mỗi hộ cá thể đều được
cung cấp thông tin thị trường, tự cập nhật thông tin thị trường để
thông báo cho cộng đồng thành viên trong hợp tác xã. Từ đó, mỗi thành
viên tự điều tiết sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt,
thành viên hợp tác xã đã chuyển việc ghi chép nhật kí sản xuất thành
thói quen, giúp quản lý chi phí đầu ra, đầu vào hiệu quả.
Khi
mỗi thành viên đã có cách quản lý sản xuất khoa học, thì việc quản lý
giá thành sản phẩm đã trở nên dễ dàng hơn. Họ có thể cân đối số lượng
sản xuất khi có thêm thông tin nhu cầu thị trường.
Giảm giá thành đầu vào Hợp tác xã kiểu mới với mô hình trồng tiêu sạch tại Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN |
Trước xu thế cạnh tranh hiện nay, không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay cả thị trường trong nước cũng cạnh tranh khốc liệt. Với tiêu chuẩn chất lượng tốt, an toàn thực phẩm nhưng giá bán cũng phải hợp lý và có lợi thế đã đặt nhà sản xuất vào vị trí tính toán, cắt giảm từng khoản nhỏ không cần thiết mới có thể thu lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, vừa giảm giá thành sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, năng suất như mong muốn là điều không dễ dàng đối với từng hộ nông dân. Do đó, phải có sự hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc sát sao thì họ mới có thể thực hiện được điều này.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Lâm San (Đồng Nai) cho biết, với phương thức canh tác tăng năng suất, tăng vụ như hiện nay để tăng sản lượng, phục vụ cho xuất khẩu của người dân đã vô tình làm cho dinh dưỡng trong đất cạn kiệt. Nông dân muốn tiếp tục sản xuất phải sử dụng một lượng lớn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mới đảm bảo cho cây phát triển. Cũng chính vì điều này, vô tình người sản xuất làm cho chi phí đầu vào tăng cao, trong khi chất lượng sản phẩm không thay đổi, thậm chí giảm chất lượng, làm giá trị cũng giảm theo.
Do đó, bằng những kiến thức quản lý sản xuất khoa học, hợp lý, hợp tác xã có thể “kiềm chế” số lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân đang dùng, cũng như định hướng cho họ một cách sản xuất mới, hiệu quả hơn, không chạy theo số lượng, mà phải chú trọng chất lượng như thị trường yêu cầu. Khi mỗi thành viên hợp tác xã nhận ra được yếu tố khoa học trong sản xuất, họ sẽ chủ động hơn trong việc chi tiêu vào sản xuất.