Điều này sẽ đóng góp rất lớn vào việc cụ thể hóa cam kết Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, triển khai hiệu quả mục tiêu này, cần sự quyết tâm của chính doanh nghiệp, kèm theo cơ chế chính sách ưu đãi.
Còn nhiều rào cản
Hiện cả nước với hơn 400 khu công nghiệp, nhưng có thể đếm trên đầu ngón tay những khu công nghiệp đủ quyết tâm trở thành "sinh thái" như Nam Cầu Kiền.
Theo chuyên gia kinh tế Mai Văn Sỹ, hiệu quả của khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần đã rất rõ ràng và được đề cập nhiều, song thực tế triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện vẫn chưa thực sự có cơ chế khuyến khích cụ thể cho phát triển khu công nghiệp sinh thái, cùng đó là đầu tư cho khu công nghiệp sinh thái yêu cầu về vốn lớn hơn nhiều. Điều này khiến doanh nghiệp phải tính toán lợi nhuận một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, làm khu công nghiệp sinh thái, vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất cho cây xanh, cảnh quan ra sao ngay từ đầu là rất quan trọng. Để làm được điều này, đỏi hỏi ý chí, trách nhiệm và tâm huyết rất lớn của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Cùng quan điểm trên, ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Shinec - chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền cho hay: tăng chi phí đầu tư chỉ là một phần khó khăn. Nếu không có được tư duy đồng bộ ngay từ ban đầu thì không thể làm được. Xây dựng khu công nghiệp sinh thái phải đạt nhiều tiêu chí, có tiêu chí rất dễ, doanh nghiệp có thể chủ động được trong lựa chọn nhà đầu tư. Nhưng có tiêu chí rất khó như xây dựng chuỗi kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp. Khó bởi lẽ muốn hình thành chuỗi phải có nhiều nhà đầu tư trong một hệ sinh thái, phải tập hợp các ông chủ doanh nghiệp lại để cùng bàn cách làm sao cho hợp lý, hiệu quả. Điều này đòi hỏi quyết tâm của chủ đầu tư và sự đồng thuận của nhiều nhà máy sản xuất.
"Tới đây, chúng tôi sẽ đầu tư tiếp nhiều khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn tại Hậu Giang, Quảng Ninh, Gia Lai… và ngay từ ban đầu, lý thuyết về kinh tế tuần hoàn sẽ được đưa vào, bắt đầu ngay từ khâu quy hoạch, lựa chọn doanh nghiệp đầu tư sản xuất…", ông Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, để chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, tuần hoàn trong sản xuất, không chỉ phải gỡ từ quyết tâm và cách thức thực hiện của chủ đầu tư, doanh nghiệp, mà cơ chế cho vấn đề này cũng cần thuận lợi hơn.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Shinec cho hay, để chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, con đường của Nam Cầu Kiền phải đi là rất vất vả, không hề đơn giản. Bởi trong các quy định về khu công nghiệp sinh thái thì Luật quy hoạch, Luật đất đai, môi trường, các Nghị định chưa có sự đồng bộ.
Để nhanh nhất có chuyển đổi từ khu công nghiệp tổng hợp sang sinh thái, nhà nước cần rà soát lại các điều luật, tích hợp đồng bộ, để doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi hơn. Nếu thiếu cơ chế hỗ trợ, thông thoáng, sẽ làm doanh nghiệp chùn chân, thiếu quyết tâm.
"Hiện nay chính sách về phát triển khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn sản xuất và thực hiện đa dạng sinh học là chưa khuyến khích, vẫn vướng mắc ở thủ tục hành chính. Khi đi vào thực hiện, thủ tục hành chính là "rừng chông gai" chứ không hề đơn giản. Để vượt qua được đòi hỏi chủ đầu tư phải rất kiên trì", ông Điệp nói.
Cần cơ chế thông thoáng
Để thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái, tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở tiền đề, tạo động lực để mô hình khu công nghiệp sinh thái thực sự phát huy được vai trò tích cực trong tăng trưởng xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế.
Theo ông Đào Phan Long, chuyên gia trong ngành cơ khí chế tạo, để đẩy nhanh quá trình Net Zero tại các khu công nghiệp, cần sớm cụ thể hóa các chính sách ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP để việc áp dụng đi vào thực tiễn. Đồng thời áp dụng một số ưu đãi riêng cho những đơn vị phát triển hoặc chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái thành công.
Ngay tại Hà Nội, Dự án Khu công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) dù mới ở giai đoạn 1 đã và đang xây dựng phát triển theo hướng là “Hệ sinh thái công nghiệp”, bao gồm đầy đủ các điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động sản xuất – làm việc – sinh sống, tối đa hóa phục vụ người lao động – công nhân viên – cán bộ quản lý chuyên gia và các đối tác đến giao dịch sản xuất – kinh doanh dịch vụ tại khu công nghiệp Hanssip.
Các nhà xưởng tiêu chuẩn được xây dựng cho thuê với các điều kiện linh hoạt và có sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức tài chính, ngân hàng ngay tại khu công nghiệp. Ngoài ra, khu công nghiệp còn tích hợp cả trung tâm logistics, trường học, phòng khám y tế, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, khách sạn…
Ông Phạm Quang Khải, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển N&G, Chủ đầu tư Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) cho hay: "Chúng tôi mong muốn hướng đến một khu công nghiệp xanh, sản xuất sinh thái với chuỗi các nhà sản xuất trong khu công nghiệp. Tuy vậy, để hình thành khu công nghiệp sinh thái, ngoài việc tăng vốn đầu tư, thì cũng còn nhiều thủ tục hành chính liên quan, việc xây dựng chuỗi sản xuất vẫn là khâu khó khăn nhất, bởi việc lựa chọn được các nhà đầu tư cùng lĩnh vực, bổ trợ cho nhau là rất khó.
"Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng ngoài việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn, thì cũng có các chương trình hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, xây dựng khu công nghiệp sinh thái", ông Phạm Quang Khải chia sẻ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch công ty Shinec cho rằng, trước hết cần tạo lập môi trường thuận lợi. Theo đó, khung pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; xây dựng danh mục đầu tư trọng điểm, nhằm định hình thu hút nguồn lực đầu tư; xây dựng chính sách ưu đãi cho đầu tư tăng trưởng xanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư tăng trưởng xanh…