Tỉnh Thừa Thiên - Huế có vùng bờ biển dài 126 km và hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000 ha mặt nước. Trong vùng có 5 cửa biển; trong đó, có 2 cảng biển bao gồm cảng nước sâu Chân Mây và cảng Thuận An.
Từ nay đến năm 2020, ngành thủy sản Thừa Thiên - Huế tập trung phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa để tăng cường sản xuất các sản phẩm mới có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường đi đôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững và ổn định.
Để khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, vẫn còn nhiều bất cập trong thực hiện, cần cơ chế xử phạt mạnh hơn. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là vùng biển xa bờ được tăng cường và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (kiểm ngư, biên phòng) thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát trên biển.
Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã tập trung tuyên truyền pháp luật về khai thác thủy sản cho ngư dân các xã vùng ven biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tập huấn tuyên truyền khai thác thủy sản vùng được cấp phép cho hơn 100 ngư dân làm nghề khai thác đánh bắt hải sản và lãnh đạo 7 xã ven biển của 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền. Tồn tại của Thừa Thiên - Huế hiện nay là chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo độ tin cậy, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn hạn chế cũng như việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU chưa nghiêm, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu…
Ngày 31/7 vừa qua, trong chuyến đi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã yêu cầu trong tháng 8 này, cơ quan chức năng cần khẩn trương thành lập Văn phòng IUU; tổ chức ký cam kết giữa chủ tàu với chính quyền địa phương, không khai thác vi phạm IUU.
Các ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ giải pháp trong việc kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho ngư dân về Luật Thủy sản 2017; hướng dẫn ngư dân ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác; lưu trữ đầy đủ hồ sơ, đảm bảo thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; cấp giấy phép khai thác vùng bờ và vùng lộng cho ngư dân; xử lí nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm…
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục như cơ sơ hạ tầng, cảng cá đang sử dụng có đủ tiêu chuẩn cho tàu cập bến để triển khai các hoạt động kiểm soát. Ở nhiều địa phương, rất ít tàu cập bến tại các cảng cá nên tỉ lệ sản lượng đạt thấp; số còn lại là tàu cá cập các bến tự phát khác. Ngoài ra, trình độ của ngư dân còn hạn chế nên địa phương cần có các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để hỗ trợ ngư dân...
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, việc chuyển từ nghề cá tự do sang nghề cá phát triển bền vững là điều mà lẽ ra phải làm từ lâu. Bên cạnh đó, việc lắp thiết bị hành trình cũng cần được hướng dẫn cụ thể. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại máy theo dõi tọa độ tiên tiến, với nhiều mức giá khác nhau của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc...
Nhưng sử dụng máy hãng nào thì phải sử dụng cả phần mềm quản lý của hãng đó. Điều này đồng nghĩa với việc các thông tin của tàu mình có thể bị các hãng này kiểm tra, theo dõi. Nên các cấp quản lý cần khuyên dùng thiết bị nào đạt tiêu chuẩn, đảm bảo an ninh, an toàn cho các tàu cá.
Trên thế giới, việc quản lý tàu thường căn cứ theo tải trọng, trong khi, Việt Nam lại mới đưa ra quy định quản lý, phân loại theo chiều dài. Điều này là chưa hợp lý. Vì vậy có nhiều tàu chiều dài thực tế lớn hơn 15 mét nhưng trong hồ sơ đo đạc lại bị ngắn hơn 15 mét.
"Bất cứ quy định, luật lệ gì cũng cần thời gian để thi hành, bây giờ đột ngột quy định các tàu dưới 15 mét, không được cải hoán thì việc giải quyết hàng nghìn con tàu đó sẽ như thế nào? Số tàu đó không được ra khơi mà có mã lực lớn như vậy đi lộng thì sẽ tàn phá, gây cạn kiệt nguồn hải sản gần bờ.”, ông Lĩnh nói.
Theo ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Phó trưởng Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá Đà Nẵng, để có thể thực hiện Luật Thủy sản và các nghị định chặt chẽ như hiện nay, khối lượng công việc đang rất lớn. Trong khi đó, Ban quản lý cảng cá không đủ người, cũng không đủ năng lực, thẩm quyền để xử lý; cán bộ của Chi cục Thủy sản lại ngày càng giảm dần theo quy định. Vì vậy, cần phải tăng cường đủ số lượng cán bộ và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ.
Thuận lợi của thành phố Đà Nẵng là có duy nhất 1 cảng cá Thọ Quang chỉ có một đường cho tàu ra vào, dễ dàng kiểm soát. Để thay đổi nhận thức của ngư dân, theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân; thành phố xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo hiểm, thông tin liên lạc, trang thiết bị máy móc khai thác như máy dò cá, định vị, hầm bảo quản để nâng cao năng lực đánh bắt...
Ngoài ra, các địa phương phát triển kinh tế biển trong vùng Trung Trung bộ cần tiếp tục khắc phục những bất cập về hạ tầng cảng, khu neo đậu cho tàu cá.
Còn tại tỉnh Quảng Nam hiện có 2 cảng cá gồm cảng cá An Hòa và cảng cá Tam Kỳ nhưng cả hai đều hoạt động kém hiệu quả. Cảng cá An Hòa nằm ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành đi vào hoạt động từ năm 2012 nhưng luôn trong tình trạng “ngóng” tàu cá vào cập bến. Cảng cá An Hòa có chiều dài 171m, diện tích mặt cảng rộng gần 1,8 ha, nhưng cảng không có những dịch vụ hậu cần cơ bản phục vụ các tàu cá như xưởng cung cấp đá lạnh, trạm xăng dầu, bể chứa nước ngọt…
Mặc dù là cảng cá loại II trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam quản lý nhưng cảng cá An Hòa chủ yếu phục vụ 50 tàu hành nghề câu mực khơi và chụp mực của xã Tam Giang, các tàu cá trong tỉnh dường như không cập bến tại đây. Khi các tàu mực vươn khơi, cảng cá An Hòa rơi vào cảnh đìu hiu, vắng lặng.
Phó giám đốc phụ trách cảng cá An Hòa Ngô Văn Định cho biết, cảng cá An Hòa đi vào hoạt động sau 12 năm thi công, với thiết kế ban đầu chỉ đón những tàu cá có công suất 300CV, trong khi các tàu cá hiện nay có công suất lên tới 1.000CV. Cộng với vị trí của cảng không thuận lợi vì nằm sâu trong đất liền, hạ tầng giao thông kết nối vào cảng không đồng bộ, các thương lái không tập trung thu mua thủy sản tại đây.
Đó là những lý do chính khiến cảng cá An Hòa không nhộn nhịp như những cảng cá khác. Cảng cá Tam Kỳ ở phường An Phú, thành phố Tam Kỳ cũng đã phải chuyển đổi công năng hoạt động vì hầu như không có tàu thuyền về cảng do nằm cách xa cửa biển, luồng lạch vào cảng bị cạn. Hiện tại, thành phố Tam Kỳ đã giao cho một doanh nghiệp tư nhân quản lý, sử dụng mặt bằng của cảng làm kho bảo quản, khu sơ chế thủy sản và đóng, sửa chữa tàu thuyền.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, tỉnh còn có 4 khu neo đậu tránh trú bão cho các tàu thuyền ở xã Tam Quang (huyện Núi Thành), xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), khu vực Cửa Đại và xã đảo Tân Hiệp (thành phố Hội An). Các khu neo đậu tránh trú bão của tỉnh mới chỉ được đầu tư giai đoạn đầu, còn thiếu những công trình phụ trợ dịch vụ hậu cần nghề cá. Mặc dù, đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng những công trình này không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ nên bị cạn do phù sa bồi lắng, hệ thống phao tiêu, biển báo bị hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn cho tàu cá di chuyển vào tránh trú trong mùa mưa bão.
Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất ngành khai thác thủy sản đạt khoảng 3.500 tỷ đồng. Để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, tỉnh đang dành nhiều nguồn lực để nâng cấp, xây mới các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền đáp ứng nhu cầu đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân.