Phát triển lành mạnh dịch vụ vận tải

Vấn nạn xe chở quá tải đã làm cho môi trường kinh doanh vận tải bị méo mó, cạnh tranh không lành mạnh trong suốt thời gian qua. Đã đến lúc, doanh nghiệp vận tải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ chứ không phải bằng cách tăng tải quá mức, bằng chi phí đen...


Áp lực đối với vận tải đường bộ


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa lớn tại không ít địa phương kiến nghị: Vận tải đường bộ đang quá tải và gặp nhiều khó khăn do chủ trương “siết” tải trọng xe, trong khi đó vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển thừa năng lực nhưng lại chưa “chia sẻ” với đường bộ trong việc phân bổ, vận chuyển hàng hóa, vì khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn nhiều hạn chế. Đặc biệt ngành đường sắt còn tâm lý “ngồi chờ” khách hàng tìm đến như trong thời bao cấp. Thực tế này dẫn đến tình trạng vận tải đường bộ “oằn mình”, còn các phương thức vận tải khác thì “thong dong”.

 

Đường bộ chiếm vai trò chủ đạo trong vận tải hàng hóa.


Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường 1 Vũ Thị Huyền Đức, từ khi Bộ GTVT và các địa phương đồng loạt cân xe kiểm soát tải trọng trên đường bộ, việc vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm từ Thanh Hóa đi Lào Cai để xuất khẩu sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp vận tải lại điều chỉnh giá cước tăng cao, khiến hàng hóa ùn ứ đầu ra. Tổng công ty được cấp phép xuất khẩu 10.000 tấn đường qua biên giới Lào Cai từ đầu năm đến nay. Tổng công ty đã chủ động làm việc với ngành đường sắt và ký xong hợp đồng vận chuyển, nhưng mấy tuần nay, phía đường sắt vẫn chưa xếp lịch chuyển hàng đi. Trong khi, giấy phép xuất khẩu đến ngày 31/5 tới hết hạn. Điều này đang tạo áp lực rất lớn cho đơn vị.


Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc Đỗ Doãn Hùng chia sẻ: Vận tải đường bộ hiện vẫn chưa được đường thủy, đường sắt san sẻ thị phần. Có đến 70 - 80% hàng hóa của công ty vận chuyển bằng đường bộ, trong khi vận chuyển bằng đường sắt chỉ chiếm hơn 10%. Trước đây, công ty cũng vận chuyển nhiều bằng đường sắt từ Thanh Hóa đi các tỉnh miền Trung, nhưng tổng chi phí vận chuyển, bốc xếp, chở hàng từ kho tới ga quá cao, nên lợi thế của ngành đường sắt bị “hụt hơi”. Hàng hóa của công ty muốn đến miền Trung, nhưng đợi đường sắt nhiều ngày không xếp được toa dù đường sắt có đi qua kho hàng…

 

 

Đội tàu biển dư thừa 40 - 50% năng lực vận tải, nhưng vẫn ít được khách hàng lựa chọn.


Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng khẳng định: Vận tải bằng đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa hiện nay có giá cước rẻ hơn rất nhiều so với vận tải bằng đường bộ, đặc biệt là đối với tuyến cự ly dài, vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn. Cụ thể, cước vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa chỉ bằng 25 - 40% chi phí vận tải đường bộ; đường biển rẻ hơn từ 15 - 20%; đường sắt chỉ bằng 50 - 60%... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa lớn vẫn chưa lựa chọn thường xuyên là do chất lượng dịch vụ, tính tiện ích không đủ sức cạnh tranh với đường bộ.


Liên quan đến việc kết nối giữa các phương thức vận tải, ông Khuất Việt Hùng đánh giá: Mặc dù các cảng biển, đường không, đường sắt, đường thủy nội địa hiện nay đều có kết nối với đường bộ, nhưng năng lực xếp dỡ, trung chuyển container hạn chế, đã dẫn đến chi phí và thời gian trung chuyển hàng hóa giữa các phương thức này còn quá cao so với chi phí vận tải đường bộ. Thêm vào đó, đa số hàng hóa của các doanh nghiệp đang được vận chuyển ở thể loại hàng rời, mức độ container hóa thấp, vì thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ đóng gói tại chỗ đối với hàng nông sản, phân bón, vật liệu xây dựng… Do đó, vận tải hàng hóa vẫn chủ yếu là đơn phương thức bằng đường bộ, mà chưa quan tâm tới vận tải đa phương thức, khép kín chuỗi cung ứng dịch vụ từ kho đến kho, bến bãi.


Cạnh tranh bằng... chở quá tải


Chưa hết, trên thị trường vận tải đường bộ, có quá nhiều các công ty nhỏ đang cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá chứ không phải bằng chất lượng dịch vụ. Đơn cử, theo ông Đỗ Xuân Hoa, Tổng Thư kí Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Công ty Vận tải ô tô số 1 lấy cước vận chuyển 1 container 40 feet từ Hải Phòng về Hà Nội khoảng 4,5 triệu đồng, tương đương 1.800 - 2.200 đồng/km. Trong khi, nếu theo cách tính giá cước vận tải trước đây mà Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức hiệp thương, thì vào thời điểm hiện nay phải từ 5.000 - 7.000 đồng/km. Tuy nhiên, để bù lại, các doanh nghiệp vận tải thường chở quá tải từ 2 - 4 lần tải trọng cho phép trên mỗi chuyến hàng.


Cạnh tranh vận tải bằng việc... chở quá tải là một bất cập cần giải quyết bởi gắn liền với đó là nguy cơ tai nạn giao thông và gây phá hủy nghiêm trọng hệ thống hạ tầng giao thông. Theo các doanh nghiệp vận tải, vẫn biết xe chạy quá tải là sai và nhiều rủi ro nhưng nếu không làm thế thì không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp khác.


Khi việc cân tải trọng xe được làm chặt chẽ, theo các doanh nghiệp vận tải, giá cước thực sự sẽ tăng lên 2 - 2,5 lần so với mức các doanh nghiệp đang áp dụng. Tuy nhiên, dần dần doanh nghiệp cũng buộc phải điều chỉnh vì tăng quá cao sẽ mất thị phần. Hơn nữa, nếu xe của tất cả các doanh nghiệp đều chạy đúng tải sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh vận tải công bằng và lành mạnh chứ không như hiện nay. Tuy nhiên, để cuộc chiến chống xe chở quá tải thành công thì cần phải kiên quyết chống tiêu cực, mãi lộ.


Nâng cao chất lượng dịch vụ


Trước những bất cập của thị trường vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: Thị trường vận tải cần phải được tái cơ cấu và giải quyết nhiều bất cập để phát triển lành mạnh hơn, hàng hóa lưu thông thuận lợi hơn, giá cước hợp lý hơn, bảo vệ được kết cấu hạ tầng hiện có, đảm bảo an toàn giao thông và doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa được hưởng dịch vụ tốt hơn.


Chủ trương kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ cả nước đang là cú hích để tái cơ cấu vận tải. Đây cũng là cơ hội để các ngành vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không cùng đổi mới. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ đường bộ sang các phương thức vận tải khác đang rất lớn, vấn đề là các phương thức vận tải khác phải tự nâng được năng lực hạ tầng, đầu tư, cải tiến, bỏ tư tưởng bao cấp, độc quyền.


Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Người dân phải được hưởng dịch vụ vận tải tốt hơn”. Do đó, Bộ trưởng đã yêu cầu từng Thứ trưởng được phân công phụ trách ngành phải làm ngay việc với các ga, cảng, doanh nghiệp vận tải, để chấn chỉnh, giải quyết ngay những vấn đề còn bất cập, tháo gỡ những nút thắt. Nghiên cứu kết nối các phương thức vận tải trên những tuyến hành lang lớn, cho những mặt hàng vận tải lớn.


Ngay trong quý II/2014, Bộ GTVT tập trung cổ phần hóa, xã hội hóa các doanh nghiệp vận tải nhà nước, xóa độc quyền bao cấp, nâng cao tính chuyên nghiệp... nhằm mục đích cuối cùng là giá cước vận tải phải giảm, hàng hóa phải lưu thông thông suốt hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, thời gian tới, các lĩnh vực vận tải cần tập trung xây dựng hạ tầng, tổ chức cơ cấu lại vận tải theo hướng đầu tư ít nhưng hiệu quả cao để đổi mới hoạt động kinh doanh vận tải sòng phẳng và đảm bảo an toàn giao thông. Trước mắt, tập trung ưu tiên vận chuyển mặt hàng nông sản, nhất là hàng tươi sống, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân.

Tiến Hiếu

Cảng Hải Phòng ùn tắc hàng quá tải
Cảng Hải Phòng ùn tắc hàng quá tải

Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cảng Hải Phòng Nguyễn Việt Hùng cho biết, hàng hóa đang ùn tắc tại Cảng Hải Phòng trong suốt những ngày qua, chưa thể giải phóng được do ảnh hưởng của việc cân kiểm soát tải trọng xe đường bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN