Phát triển thành phố thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Sáng 18/10, Diễn đàn kinh tế Tp. Hồ Chí Minh năm 2019 với chủ đề "Phát triển Tp. Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", do UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức đã chính thức khai mạc. Diễn đàn có sự tham dự của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Bộ ngành, doanh nghiệp tham gia.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tp. Hồ Chí Minh trong việc đóng góp lớn, là "đầu tàu" phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Việc xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở trung tâm tài chính khu vực và quốc tế không chỉ là mong muốn của riêng thành phố mà là mục tiêu chung của cả nước. Do vậy, cần có cơ chế chính sách phát triển đặc thù, khuyến khích ý tưởng mới, mang tính đột phá. Việc Tp. Hồ Chí Minh là "đầu tàu" cũng cần được tập trung nguồn lực phát triển, các tỉnh lân cận và cả nước phải chung tay, cùng góp sức để mục tiêu này sớm thành hiện thực. 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu quan trọng của diễn đàn năm nay là cung cấp các yếu tố đầu vào giúp thành phố sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Tp. Hồ Chí Minh lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện của các diễn giả nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy  tăng trưởng kinh tế các đô thị lớn trên thế giới. Tại NewYork dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, tại London là 42%, Thượng Hải là 27% và Singapore là 29%. Điều này cho thấy mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành thành phố toàn cầu.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, ngay từ năm 2001 thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố. Tuy nhiên, việc trở thành Trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có điểm xuất phát thấp. Trong số 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở theo không kịp. Không những thế, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% xuống còn 18%.

Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố còn thấp, mới đạt 52%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kula Lumpur là 143%, Bangkok là 120%... Điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn. Những yếu tố này làm cho Tp. Hồ Chí Minh bị giảm sức hấp dẫn, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Tuy vậy, vị lãnh đạo thành phố khẳng định, Tp. Hồ Chí Minh xác định trở thành Trung tâm tài chính là chìa khóa để đưa kinh tế thành phố bứt phá trong thời gian tới. Do đó, với vai trò đầu tàu, trung tâm nhiều mặt của cả nước, độ mở thương mại đạt 1%, thành phố cam kết nỗ lực hết mình để tạo tiền đề cho các tổ chức tài chính, định chế tài chính đầu tư mạnh mẽ vào thành phố.

"Thành phố cam kết sẽ làm hết sức mình để đảo đảm môi trường chính trị  - xã hội ổn định, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính, định chế tài chính hoạt động ổn định, lâu dài", ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Đại diện UBND thành phố cũng hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết giúp thành phố thực hiện thành công Đề án, đồng thời là cơ sở quan trọng để thành phố chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách thành phố còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai.

Chú thích ảnh
Các doanh nhân trao đổi bên lề diễn đàn. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Theo kế hoạch, ngoài phiên khai mạc, Diễn đàn kinh tế Tp. Hồ Chí Minh năm 2019  có 4 phiên thảo luận song song với các chủ đề: Tp. Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng, mục tiêu và lộ trình thực hiện; Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số Trung tâm tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một Trung tâm tài chính quốc tế; Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền Thành phố để xây dựng Tp.Hồ Chi Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Dự kiến, tháng 6/2020, UBND Tp. Hồ Chí Minh sẽ trình Chính phủ đề án xây dựng Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Xuân Anh – H.Chung (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
TP Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại và trung tâm tài chính quốc gia. Vì vậy, khát vọng của Thành phố không chỉ là duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước mà còn tiến tới bắt kịp các thành phố thành công trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á nói chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN