Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai nhiều mô hình trồng hoa cây cảnh chất lượng cao. Trong số các cây trồng, hoa hồng đang trở thành loại hoa thương hiệu của Mê Linh.
Hiện nay, huyện Mê Linh có 1.294 ha đất sản xuất hoa; trong đó, diện tích canh tác chủ yếu là hoa hồng (chiếm 93,4%), ngoài ra còn có hoa cúc, hoa loa kèn, hoa ly, hoa đào... |
Hoa hồng được trồng với diện tích khoảng 1.152 ha chủ yếu ở các xã Mê Linh và xã Văn Khê, xã Thanh Lâm, xã Đại Thịnh... Còn lại, hoa cúc được trồng với diện tích 104,7 ha, chủ yếu ở xã Đại Thịnh; các loại hoa khác như: hoa lay ơn, hoa loa kèn, hoa ly... chiếm diện tích nhỏ hơn.
Đặc biệt từ năm 2011-2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện mô hình hoa hồng chất lượng cao quy mô 40,3 ha tại vùng bãi Văn Quán, xã Văn Khê; mô hình trồng hoa ly chất lượng cao trong nhà lưới với quy mô 0,3 ha... Việc đưa các mô hình vào sản xuất góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ, những cây trồng có giá trị thấp, hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao (450 – 500 triệu đồng/ha/năm), góp phần tạo ra sản phẩm hoa chất lượng cao phục vụ thị trường. Đến nay diện tích trồng hoa hồng chất lượng cao được mở rộng trên 120 ha tại vùng bãi xã Văn Khê, Tráng Việt.
Theo ông Phùng Minh Chiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, toàn huyện Mê Linh hiện có gần 400 dự án lấy vào đất nông nghiệp, đây đều là những địa bàn trồng rau, hoa, đất đai màu mỡ. Vì vậy, để giải quyết vấn đề lao động nông thôn, trước khi các dự án được triển khai, huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết ưu tiên đào tạo, sử dụng nhân lực của địa phương. Bên cạnh đó, huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề cho nông dân. Đối với các xã có nghề trồng hoa truyền thống như Mê Linh, Tiền Phong, Tráng Việt, huyện và xã phát động người dân đi thuê đất ở nơi khác để mở rộng diện tích trồng hoa. Hiện, tại 3 tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lâm Đồng, người dân huyện Mê Linh đã thuê đất mở được khoảng 200ha đất, đó là chưa kể một diện tích lớn tại các huyện lân cận ở Hà Nội.
Hoa hồng được trồng chủ yếu tại xã Mê Linh, khu vực đền thờ Hai Bà Trưng với khoảng 350ha. Tuy nhiên, khu vực này lại nằm trong vùng quy hoạch đô thị. Để không mất đi một loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, Mê Linh đã có kế hoạch chuyển vùng trồng hoa ra khu đất bãi Tráng Việt, Văn Khê, Hoàng Kim… và một phần xã Thanh Lâm. Thậm chí kéo dài đến vùng trong đồng là Tự Lập, Liên Mạc… phía Bắc huyện, giáp với huyện Yên Lạc của Vĩnh Phúc. Kế hoạch đã được triển khai thực hiện có hiệu quả tại Tráng Việt khoảng 90ha. Một điều thuận lợi là thổ nhưỡng ở những vùng đất mới này rất hợp cho cây hoa phát triển, chất lượng hoa đẹp, bền hơn so với vùng đất cũ đã trồng hai, ba chục năm nay. Chính vì vậy, người dân rất đồng thuận trong việc "di cư" hoa ra khỏi vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, huyện giao cho Phòng Kinh tế tìm chọn địa điểm quy hoạch vùng hoa điểm, có kế hoạch hỗ trợ vốn, giống và chuyển giao kỹ thuật để người dân sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng hoa.
Để tạo sự ổn định đầu ra cho cây hoa, huyện cũng đã kiến nghị thành phố hỗ trợ mở rộng diện tích chuyển đổi cơ cấu sang trồng các loại hoa có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, huyện cũng đề nghị thành phố cho xây dựng chợ - nơi tập kết buôn bán hoa để tạo tiện lợi cho việc trung chuyển hoa đi các nơi khác. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tập trung phát triển các mô hình trồng hoa chất lượng cao kết hợp chú trọng nâng cao năng suất chất lượng bằng áp dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
P.A