Phát triển vùng nguyên liệu nông, thủy sản gắn với chế biến và tiêu thụ

Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh đã có Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội theo hướng liên kết vùng; trong đó, chú trọng phát triển vùng nguyên liệu nông - thủy sản gắn với chế biến và tiêu thụ theo hợp đồng, nông dân hưởng lợi.

Trong khuôn khổ hợp tác, Tiền Giang đã xây dựng được 6 chuỗi cung cấp nông thủy sản theo qui trình an toàn, được các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh hợp đồng bao tiêu với giá ổn định, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất. Kinh tế hộ do vậy cải thiện, đời sống nhân dân được nâng cao.

Cụ thể, toàn tỉnh có 20 ha sản phẩm rau VietGAP tại các HTX rau an toàn Gò Công, THT rau an toàn Tân Đông (thị xã Gò Công); Tổ hợp tác rau an toàn Thạnh Hòa (Gò Công Tây) được tiêu thụ ổn định bởi các doanh nghiệp và các bếp ăn tập thể tại Tp Hồ Chí Minh như: Công ty Lực Điền, Coop Mart, hệ thống siêu thụ Metro,..

Ông Nguyễn Thanh Tòng, ấp Kinh Trên, xã Bình Ân, Thị xã Gò Công chăm sóc gà. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Tỉnh cũng đã xây dựng hai cơ sở chăn nuôi gà thịt qui mô lớn, khoảng 7.000 con/cơ sở đạt chứng nhận VietGAP là HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công và HTX gà tre Hương Việt đã được Công ty TNHH San Hà tại TP Hồ Chí Minh hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Ngoài ra, các sản phẩm cá điêu hồng lồng bè - thế mạnh của vùng nuôi thủy sản trên sông Tiền (Tiền Giang) được các thương lái chợ thủy sản đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX Chăn nuôi - thủy sản Gò Công cho biết, nhiều năm nay, HTX được Công ty San Hà, Công ty Phạm Tôn ở TP Hồ Chí Minh hợp đồng bao tiêu bình quân 7.000 con gà ta Gò Công thịt mỗi ngày.

Nhờ vậy, xã viên an tâm phát triển chăn nuôi gà ta theo mô hình VietGAP. HTX Chăn nuôi - thủy sản Gò Công cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức chăn nuôi theo qui trình VietGAP và sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thanh Tòng, xã viên hợp tác xã Gò Công, cư ngụ tại ấp Kênh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông làm chuồng trại chăn nuôi qui mô 8.000 con gà ta theo mô hình VietGAP. Mỗi năm ông xuất chuồng 4 lứa gà, thu lãi ròng khoảng 400 triệu đồng.

Ông Tòng cho biết, từ khi vào HTX, chăn nuôi theo qui trình VietGAP và chuỗi giá trị mà HTX đưa ra, được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, gia đình ông đã giàu có lên.


Theo ông Nguyễn Đình Thông, trên đây là những kết quả bước đầu. Sắp tới, nhằm phát huy tiềm năng kinh tế - xã hội giữa hai địa phương trên tinh thần liên kết phát triển bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh tiếp tục có những cơ chế, chính sách hợp lý để huy động các thành phần kinh tế trong xã hội tích cực tham gia Chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đa dạng về hình thức trong đó liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, nông dân hưởng lợi là một trong những nội dung trọng tâm.

Tiền Giang có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với những vật nuôi, cây trồng đa dạng, giá trị kinh tế cao. TP Hồ Chí Minh lợi thế về thị trường tiêu thụ nông - hải sản rộng lớn với nhu cầu cao.

Đón trước thời cơ và triển vọng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang đang nỗ lực phát triển sản xuất theo hướng GAP, hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn nhằm tạo nguồn cung nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao và ổn định đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu mà thị trường TP Hồ Chí Minh được coi là trọng tâm.

Minh Trí (TTXVN)
Nông, thuỷ sản Việt Nam đã có những đối thủ cạnh tranh
Nông, thuỷ sản Việt Nam đã có những đối thủ cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh của hàng nông, thuỷ sản Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm, yếu hơn các đối thủ khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN