Bởi phía Philippines cho rằng, lượng nhập khẩu xi măng gia tăng đột biến là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nước này.
Theo Bộ Công Thương, ngày 11 tháng 3 năm 2022, Ủy ban Thuế quan Philippines thông báo kế hoạch triển khai tiếp theo trong vụ việc xem xét gia hạn biện pháp tự vệ đối với mặt hàng xi măng loại 1 và loại 1P nhập khẩu từ một số nước; trong đó, có Việt Nam.
Kế hoạch nêu rõ việc nộp biểu mẫu 5-A của Ủy ban Thuế quan (gửi kèm theo) và bản kế hoạch điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước là ngày 17/3. Ngày 18-24/3/2022 cơ quan điều tra tiến hành thẩm tra tại chỗ theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Việc ban hành dự thảo kết luận điều tra và thông báo về việc tổ chức Phiên điều trần công khai dự kiến diễn ra ngày 25/3/2022. Tổ chức Phiên điều trần công khai dự kiến diễn ra ngày 1/4/2022 và 4-7/4/2022. Đến tháng 4/2022 ban hành kết luận cuối cùng của Ủy ban Thuế quan.
Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp có liên quan chủ động nghiên cứu bản thông báo của Ủy ban Thuế quan; đồng thời chủ động theo dõi, cập nhật thông tin vụ việc.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thường xuyên liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đặc biệt trong trường hợp phát sinh các vấn đề bất thường.
Trước đó, sau quá trình điều tra Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) kết luận lượng nhập khẩu xi măng đã gia tăng đột biến là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời kỳ điều tra.
Nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa cũng như thúc đẩy ngành sản xuất nội địa tiếp tục phát triển, vào đầu năm 2019, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 8,40Php/túi40kg, tương đương khoảng 4 USD/tấn đối với xi măng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.