Trên đây là những khẳng định của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường thịt lợn vừa diễn ra chiều 22/10, tại trụ sở Chính phủ.
Giá gà, giá thịt lợn đã tăng trở lại
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, đặc biệt từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi giảm một nửa, từ khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg vào tháng 3 xuống còn khoảng 35.000 - 45.000 đồng/kg, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg.
Trong vài ngày qua, giá lợn hơi đã tăng nhẹ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng trên 30% so với năm 2019, gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo tính toán, giá thành nếu khoảng 50.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích cho người chăn nuôi, lưu thông và tiêu dùng. Với mức giá quá thấp như hiện nay, người chăn nuôi chịu thiệt hại rất lớn, nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, nguồn cung trong những tháng tới, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán tới đây nếu không có giải pháp phù hợp, hữu hiệu.
Nói rõ thêm về nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, do dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản là ngưng hoạt động. Các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động;... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm rõ rệt từ 30 - 50%. Đến nay, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc. Các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế. Do vậy, mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế.
"Trong khi đó, chu kỳ sản xuất, tăng trưởng, tái đàn vẫn diễn ra bình thường, từ đó dẫn đến ứ đọng trong tiêu thụ sản phẩm" - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải.
Ông Phùng Đức Tiến lấy ví dụ, riêng TP Hồ Chí Minh một ngày tiêu thụ 60 tấn thực phẩm nhưng tự sản xuất được dưới 10%, tất cả nhập từ các tỉnh miền Tây. Các sản phẩm chăn nuôi ùn ứ, giá thành giảm.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định lập hai tổ công tác phía Bắc, phía Nam để tổ chức kết nối giao thông; thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại. Bộ đã triệu tập cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thứ trưởng Tiến đánh giá, xuất khẩu có bước chuyển dịch tích cực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao theo chuỗi từ giống, thức ăn, giết mổ, chế biến và tiêu thụ.
"Với sự phối hợp giữa các bộ, giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa đã thông thoáng. Những ngày gần đây, giá gà, giá thịt lợn đã tăng trở lại” - Thứ trưởng cho biết.
Phân tích về yếu tố cung cầu thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thị trường mặt hàng thịt lợn trong 9 tháng đầu năm 2021 có sự khác biệt hoàn toàn so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung dồi dào và chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19.
Nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh (trong đó nguyên nhân là hoạt động của các nhà hàng, khách sạn cầm chừng, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam). Trong khi đó, nguồn cung dồi dào (không riêng mặt hàng thịt lợn mà còn có các loại thực phẩm khác như thịt gà, thủy hải sản) khi các cơ sở chăn nuôi tăng đàn hoặc bị tồn đọng do thời gian trước chưa tiêu thụ hết dẫn đến quá lứa. Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay là giá thịt lợn thành phẩm chưa giảm tương xứng do với giá lợn hơi. Giá thịt lợn thành phẩm phổ biến ở mức 60.000 - 100.000 đồng/kg tại chợ và ở mức 98.000 - 130.000 đồng/kg tại siêu thị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cần tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung dịch bệnh nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường, tăng cường hiểu biết của người tiêu dùng đối với thị trường, giá cả mặt hàng thịt lợn.
Hài hòa của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý. Giá vận hành theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước.
Đề cập đến nguyên nhân, Phó Thủ tướng nhất trí cho rằng, trước hết là do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, dẫn tới nhu cầu giảm, nông dân chưa thể xuất chuồng đàn lợn, dẫn tới ứ đọng, quá lứa. Theo Bộ, giá gà, giá thịt lợn đã tăng trở lại, khi trọng lượng vượt trên 120 kg/con sẽ khó bán. Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ chuỗi sản xuất, lưu thông, phân phối, hay việc phục hồi kinh tế đang được triển khai khá tốt nhưng chưa đồng bộ; tiếp cận thị trường của người tiêu dùng chưa đạt như mong muốn.
Chia sẻ khó khăn của người chăn nuôi, Phó Thủ tướng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ khẩn trương có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng.
“Phải có giải pháp hỗ trợ cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn lợn, chưa xuất chuồng được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính.
Các bộ, ngành, địa phương, các trung tâm kinh tế lớn phải đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế. Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, thanh kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt lợn hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tuyên truyền, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp có năng lực dự trữ, chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời là tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường đặc biệt cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bộ Giao thông vận tải rà soát, nắm rõ thêm tình hình hệ thống lưu thông, vận tải, tránh tình trạng vẫn còn một số nơi “cát cứ”, gây khó khăn cho bà con trong tiếp cận thị trường (phương tiện chuyên chở khó đến với bà con); phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, thống nhất trên toàn quốc.