Đặc biệt, việc xuất hiện và bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp, chính quyền và các hộ chăn nuôi Quảng Bình đã chủ động, nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho hay, từ ngày 1/1 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở 2 xã thuộc địa bàn huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch, làm 20 con lợn mắc bệnh, phải tiêu hủy, với trọng lượng gần 1.800kg. Hiện, còn xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa) chưa qua 21 ngày. Từ ngày 31/1 - 11/2, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra ở địa bàn xã Phú Thủy (huyện Lệ Thủy) làm 4.100 con gà mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy…
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch; tổ chức phun tiêu độc khử trùng; tiêm phòng vaccine; tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển qua lại trên địa bàn…
Cùng với đó, ý thức của người chăn nuôi trong phòng chống dịch bệnh cũng ngày càng nâng cao, đặc biệt là các gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở. Nhờ đó, các ổ dịch trên đàn vật nuôi đã kịp thời được kiểm soát, xử lý dứt điểm, hạn chế phát sinh lây lan.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, quá trình triển khai phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Chăn nuôi trâu bò ở các địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, theo hình thức chăn thả; tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm trong năm 2021 đạt thấp (lở mồm long mống đạt 36,9% so với kế hoạch; tụ huyết trùng trâu bò đạt 54,6%; dịch tả lợn đạt 25,8%; cúm gia cầm đạt 8%; dại chó đạt 37,4%) nên chưa đạt miễn dịch bảo hộ theo quy định. Riêng với dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vaccine phòng bệnh, thuốc điều trị đặc hiệu; vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục chủ yếu là nhập khẩu, giá thành cao...
Mặc khác, kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch bệnh trong năm 2021 chưa có; hệ thống thú y cấp xã ở nhiều địa phương không còn nên việc giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chậm, chưa kịp thời. Cùng với đó, việc quản lý hoạt động giết mổ ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ, nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn cố tình hoạt động gây khó khăn cho quá trình thực hiện, xử lý.
Dự báo nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm. Để chủ động kiểm soát, ứng phó với tình hình, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ông Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch cho vật nuôi.
Cụ thể, đối với ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Phú Thủy, các đơn vị liên quan cần tập trung hỗ trợ xã khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng; xử lý gia cầm mắc bệnh bảo đảm môi trường theo quy định; chỉ đạo các địa bàn lân cận tạm dừng các hoạt động mua bán vận chuyển từ xã Phú Thủy đi ra ngoài; khẩn trương tiêm phòng vaccine phòng dịch.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về dịch cúm gia cầm; giám sát chặt chẽ các thành viên trong hộ chăn nuôi; công bố dịch trên diện hẹp để bảo đảm sản xuất, không ảnh hưởng các địa phương khác; tầm soát và tiêu trùng khử độc khu vực lân cận ổ dịch…
Các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tiêm phòng vaccine; tăng cường tuyên truyền triển khai tiêm vaccine gia súc, gia cầm trên diện rộng; hướng dẫn chăn nuôi bảo đảm vệ sinh phòng dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các khu vực có nguy cơ; kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, giết mổ động vật; tổ chức tiêu hủy động vật chết theo quy định.