Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, tình hình vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm vì thế cũng gia tăng. Do đó, các địa phương không thể lơ là trong phòng chống dịch, có kế hoạch túc trực 24/24h nhằm đảm bảo phát hiện dịch sớm để có kế hoạch khống chế kịp thời.
Người dân Quảng Ngãi chăm sóc gia súc sau trận mưa lũ. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động trong phòng, chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9. Đồng thời, tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Ngoài ra, Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tai xanh lợn, lở mồm long móng, bệnh dại động vật. Bên cạnh đó, các địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin sớm để chủ động phòng bệnh trước thời điểm có thể xảy ra diễn biến bất thường của thời tiết.
Đồng thời, vệ sinh, khử trùng tiêu độc, dự phòng vắc xin và hóa chất để xử lý ổ dịch; lập phương án dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi kết hợp tăng cường chăm sóc nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Cùng với đó, các địa phương chủ động tăng cường giám sát chặt địa bàn, nhằm phát hiện xử lý kịp thời các ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm, không để lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của các hộ nuôi về các loại dịch, bệnh và các biện pháp phòng, chống.