Phân cấp kiểm tra
Đại diện lãnh đạo thành phố khẳng định: Thủ đô sẽ tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộc độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong dịp tết dương lịch, tết nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội năm 2016. Theo đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến trên sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của tuyến dưới để kiểm tra công tác chỉ đạo, nắm bắt tình hình công tác bảo đảm ATTP trong dịp này tại địa phương.
Tăng cường kiểm tra, xử lý sẽ giúp hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, là một trong những nguyên nhân dẫn tới ngộ độc thực phẩm. |
Việc thanh tra, kiểm tra cũng sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tập trung thanh tra vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Bính Thân và các lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo; các cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn của thành phố tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Các đoàn của quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tập trung đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
UBND TP sẽ tổ chức 6 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATVSTP, để kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các sở, ngành; kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Còn tại cấp huyện, thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATTP kiểm tra việc đảm bảo ATTP phục vụ tết dương lịch, tết nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2016.
Làm tốt công tác tuyên truyền
Theo ông Trần Xuân Hà, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Việc tuyên truyền hướng dẫn về ATTP đã được Hà Nội triển khai thường xuyên trong các năm qua. Tuy nhiên, để tạo ra chuyển biến lớn, thì cần phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Đặc biệt là nâng các chế tài xử phạt để các đối tượng buôn bán thực phẩm bẩn không tái phạm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh theo hướng để người tiêu dùng nhận biết thực phẩm bẩn, khi phát hiện sai phạm cần mạnh dạn khiếu nại, phản ánh đến cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách lựa chọn mặt hàng có tem nhãn, hạn sử dụng.
“Cùng với kiểm tra, xử phạt, các đơn vị, địa điểm sai phạm cần được công khai tới cơ quan truyền thông, đặc biệt là các hiện tượng như nhập thực phẩm bẩn, hàng quá đát, không tem nhãn. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, kiểm tra và công khai các đơn vị sai phạm một cách quyết liệt, xử lý nghiêm thì các đơn vị mới không tái phạm”, ông Trần Xuân Hà khẳng định.
Về phần mình, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện, tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương cho cán bộ làm công tác ATTP địa bàn cơ sở; chỉ đạo các đội quản lý thị trường tích cực tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện về ATTP; cam kết không sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lựợng ATTP; phối hợp với các cơ quan quản lý địa phương tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP cho các cơ sở, hộ kinh doanh tại các khu vực lễ hội và trong công tác truyền thông về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đặc biệt trong lĩnh vực ATTP.
“Tuy nhiên vấn đề mất VSATTP trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn ra hết sức phức tạp với tình trạng rau, thịt không an toàn tràn lan tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị... Thói quen tiêu dùng giá rẻ, ít quan tâm tới chất lượng và hạn sử dụng nguyên nhân do tập quán ăn uống, trình độ dân trí, đặc biệt là do thu nhập thấp, nên vẫn còn phổ biến tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng cũng hoang mang không biết thực phẩm nào là thực phẩm sạch trước những phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng… Do đó, để khắc phục tình trạng trên, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Sở Công thương Hà Nội xây dựng Đề án “Thí điểm triển khai mô hình quản lý cơ sở kinh doanh rau an toàn và thịt sạch trên địa bàn Hà Nội” trên cơ sở phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chức năng thông tin đến người tiêu dùng. Từ mô hình thông tin này sẽ nhân rộng và đề ra các giải pháp hữu hiệu để quản lý nguồn gốc sản phẩm hàng hóa lưu thông, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất; kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất luợng và giải quyết căn bản làng nghề chế biến nông sản, thực phấm”, đại diện Sở Công thương Hà Nội khẳng định.