Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có gần 9.500 ha nuôi tôm công nghiệp; trong đó, có 2.100 ha nuôi siêu thâm canh; gần 135.000 ha diện tích tôm nuôi quảng canh cải tiến, với tỷ lệ thả nuôi khoảng 90%.
Thời điểm hiện nay, người nuôi tôm đang bắt tay vào vụ nuôi đầu tiên của năm 2019 và đây được xác định là giai đoạn rất dễ gặp rủi ro nếu thời tiết bất lợi. Thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay rất dễ làm môi trường ao nuôi biến đổi đột ngột, nhất là yếu tố pH và nhiệt độ nước. Ngoài ra, nắng nóng làm nước trong ao bốc hơi nhanh, độ mặn cũng tăng theo, dẫn đến tôm nuôi bị sốc môi trường, sức khỏe yếu, rất dễ bùng phát dịch bệnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, chỉ trong tuần qua (ngày 13 - 19/3), diện tích tôm nuôi công nghiệp bị bệnh là hơn 4 ha, lũy kế từ đầu năm đến nay là hơn 46 ha; diện tích tôm nuôi quảng canh cải tiến bị bệnh là hơn 167 ha, luỹ kế từ đầu năm đến nay là gần 756 ha. Qua đó, mức độ thiệt hại từ khoảng 30 - 50% năng suất tôm nuôi. Nguyên nhân gây nên dịch bệnh chủ yếu do thời tiết, độ mặn trong các vuông tôm tăng cao, dao động từ 15‰ - 20‰.
Về vấn đề này, Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cho biết, để quản lý ao nuôi tôm có hiệu quả trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, người nuôi tôm nên tuân thủ thả giống theo khung lịch thời vụ ở các loại hình nuôi; chuẩn bị ao nuôi phù hợp, đúng quy trình kỹ thuật; lựa chọn con giống đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt.
Người nuôi phải ương tôm trước khi thả ra ao nuôi. Thả nuôi với mật độ vừa phải phù hợp đối với từng loại hình. Hàng ngày theo dõi kiểm tra sức khỏe tôm nuôi cũng như một số yếu tố môi trường trong ao nuôi, để có biện pháp quản lý phù hợp theo từng thời điểm, ông Đoàn Văn Chính chia sẻ.
Ngoài ra, ngành chuyên môn còn khuyến cáo, để đảm bảo môi trường cho tôm nuôi, người nuôi cần xây dựng ao lắng, xử lý nước trước khi bơm vào ao nuôi, để tránh lây lan mầm bệnh từ bên ngoài vào ao.