Chị Đào Thị Tuyết Mai (sinh năm 1978, ngụ ấp Song Phú, xã Phú Đức, huyện Châu Thành) trước đây không vốn làm ăn, nhà cửa “nhìn trước thấy sau”. Hai vợ chồng đã tất bật bươn chải với đủ thứ nghề nhưng “nghèo vẫn hoàn nghèo”. Năm 2016, chị được Hội Phụ nữ hỗ trợ hai con dê cái để phát triển chăn nuôi.
Chị Mai đã tận dụng cây cỏ xung quanh nhà làm thức ăn cho dê, đồng thời tích cực tham gia một số lớp tập huấn và áp dụng kỹ thuật nuôi, chăm sóc dê. Nhờ vậy, đàn dê luôn khỏe mạnh, sinh sản tốt và tăng trưởng nhanh. Từ những thành công bước đầu, vợ chồng chị Mai tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi và tăng quy mô đàn dê. Đến nay, gia đình chị đã có 15 con dê cái.
Chị Mai chia sẻ, dê là con vật dễ nuôi, ít bị ốm, sức đề kháng cao, thức ăn cho dê rất dễ kiếm, chuồng nuôi được thiết kế đơn giản. Trong khi đó, dê lại là loài động vật sinh sản nhanh, bình quân mỗi năm đẻ hai lứa, mỗi lứa trung bình từ 1- 2 con. Dê nuôi khoảng 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 22 - 27 kg. Số dê này đều được các nhà hàng trong và ngoài địa bàn tiêu thụ hết, với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, chị còn bán con giống (mỗi năm khoảng 20 con) và có khoản thu từ các phụ phẩm như phân và nước thải của loài vật nuôi này. Nhờ vậy, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, gia đình chị Mai có nguồn thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.
Chỉ sau 3 năm bắt đầu mô hình nuôi dê sinh sản, đến năm 2019, vợ chồng chị đã vươn lên thoát nghèo và xây được căn nhà khang trang. Điều đáng quý là không những làm giàu cho gia đình, chị Đào Thị Tuyết Mai còn tích cực vận động, hướng dẫn cách nuôi dê sinh sản hiệu quả cho hội viên, phụ nữ nghèo trong xã cùng vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, chị Mai sẵn sàng hỗ trợ dê giống và bán dê giống với giá ưu đãi cho những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Tại xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, chị Lê Thị Yến Dân (sinh năm 1978) trở thành một trong những tấm gương điển hình của phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị không có đất canh tác, thu nhập chính từ việc làm hồ của chồng. Năm 2015, chị được Hội Phụ nữ xã vận động tham gia lớp học nghề đan giỏ xách nhựa. Nhờ sự kiên trì và thành tích xuất sắc, sau lớp học nghề, chị trở thành giáo viên dạy nghề và truyền nghề cho hội viên phụ nữ trong xã, góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống.
Ban đầu chị kêu gọi thành lập nhóm nhỏ với vài ba chị rồi lấy hàng về làm đơn lẻ. Cuối năm 2015, các chị được Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án AMD Bến Tre) tổ chức dạy nghề đan giỏ và kết nối với doanh nghiệp cung cấp hàng để gia công. Có công việc ổn định, chị em tham gia tổ đan giỏ nhựa, các sản phẩm mỹ nghệ bằng lục bình, cọng dừa của chị ngày càng nhiều.
Nhận thấy có điều kiện phát triển và mong muốn tạo thêm việc làm cho nhiều chị em khác, cuối năm 2017, chị Dân tiếp tục đề nghị Dự án AMD tài trợ đầu tư một nhà xưởng tiền chế 20m2 làm nơi sản xuất, cũng là nơi tập trung hàng hóa sau khi hoàn thành để giao cho đầu mối. Hiện tại, tổ đã có khoảng 50 - 70 lao động thường xuyên tại xã Hưng Lễ và các vùng lân cận, trong đó có khoảng 30 hộ nghèo. Thu nhập của các thành viên trong tổ ổn định, trung bình từ 1.500.000 đồng đến 4.000.000 đồng/tháng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh các cấp Hội quyết tâm bằng mọi giá phải chăm lo cho đời sống của hội viên. Hội đã xác định các giải pháp theo tinh thần “2 chân 3 mũi”. Cụ thể “2 chân” là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy chính quyền các cấp; trách nhiệm và sự vào cuộc thực thụ của các cấp hội. “3 mũi” là nguồn lực, đoàn kết và sự quyết tâm của mỗi cá nhân. Trong đó, nguồn lực là một trong những mấu chốt trọng yếu; đoàn kết hỗ trợ giúp nhau là khâu cơ bản; sự quyết tâm của mỗi cá nhân là quan trọng nhất.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã chủ động phối hợp với UBND xây dựng kế hoạch hàng năm với mục tiêu: hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đối với các hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các cấp hội đã tập trung hỗ trợ thực hiện các mô hình sinh tế phù hợp, thông qua nguồn vốn hơn 1.200 tỷ đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế… Các cấp Hội Phụ nữ đã giới thiệu việc làm cho hơn 44,9 nghìn lao động nữ, tổ chức hiệu quả trên 4.000 mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết... nhằm phát triển những ngành nghề thế mạnh sẵn có, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đến cuối nhiệm kỳ 2016- 2021, hơn 6.700 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo.