Phú Quốc hướng tới một đặc khu hành chính kinh tế

Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam, tổng diện tích 589,23km2, được mệnh danh là đảo ngọc, nổi tiếng không chỉ hồ tiêu và nước mắm mà còn hút hồn bởi cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã, in đậm dấu ấn lịch sử dân tộc. Nơi đây cũng được biết đến như một “địa ngục trần gian” với nhà tù Phú Quốc khét tiếng dã man thời chiến tranh chống thực dân và đế quốc. Hòn đảo trên biển Tây Nam này đã được Nhà nước quan tâm, có những chủ trương, quyết định đầu tư mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1255/QĐTTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, theo đó Phú Quốc sẽ trở thành Đặc khu hành chính kinh tế trực thuộc Trung ương.

Ước vọng Phú Quốc

Hãng tin ABC News năm 2010 đã công bố danh sách những bãi biển đẹp nhất thế giới còn hoang sơ tiềm ẩn trong một cuộc bình chọn dài ngày mang tên "Hidden Beaches". Và, Bãi Dài ở xã Dương Tơ, Phú Quốc đã được xếp đứng ở vị trí số một trong năm bãi biển được vinh danh trên thế giới. Nơi đây được gọi như một thiên đường với nắng vàng, nước mát và không gian du dương tĩnh lặng đầy hoang sơ.

Làng chài Phú Quốc

Theo qui hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030: Phú Quốc sẽ phát triển thành một trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; Trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, nơi đây còn là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và giao lưu quốc tế. Năm 2020 Phú Quốc sẽ đón khoảng 2 - 3 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 35 - 40% và sẽ tăng lên 5 - 7 triệu lượt vào năm 2030 với khoảng 45 - 50 % khách quốc tế. Phú Quốc đồng thời còn là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ sinh học, trung tâm điều dưỡng y tế cao cấp; Trung tâm giao thương quốc tế; hướng tới mục tiêu xây dựng Phú Quốc thành một hòn đảo có tên trên bản đồ các đảo nổi tiếng thế giới.

Nét đẹp hoang sơ trong bình minh Phú Quốc.


Các quyết định của Chính phủ cùng với những chủ trương, chính sách ưu đãi về đầu tư, nói như nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội), thì tất cả các chính sách ưu đãi nhất đang thực hiện tại Việt Nam sẽ được áp dụng vào Phú Quốc. Hàng trăm nhà đầu tư đã vào Phú Quốc, hiện các dự án đăng ký đầu tư đã phủ kín toàn đảo. Trước đây phải mất 8 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển du khách mới ra được đảo Phú Quốc, thì nay với những con tàu cao tốc chỉ cần 2 tiếng 35 phút. Cách đây 5 năm, mỗi ngày chỉ có 2-3 chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM – Phú Quốc và một chuyến Rạch Giá – Phú Quốc, thì nay, hãng hàng không này đã đưa tần suất hoạt động lên trên 10 chuyến/ngày, những ngày cao điểm lên đến 15 chuyến. Từ tháng 3/2010 khai thác tuyến Cần Thơ – Phú Quốc. Từ cuối năm 2010, Hãng hàng không Mê Kông (Air Mekong) cũng đã khai thác tuyến TP.HCM – Phú Quốc. Và, kể từ ngày 28/4, Air Mekong mở chuyến bay thẳng từ Hà Nội đi Phú Quốc với loại máy bay phản lực Bombardier CRJ 900 (90 chỗ). Vietnam Airlines cũng đã tiến hành khai thác tuyến TP.HCM – Cần Thơ và Cần Thơ – Phú Quốc. Sức hút du khách từ bầu trời sẽ còn nhộn nhịp hơn nữa khi sân bay quốc tế Phú Quốc hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Theo qui hoạch, sân bay này sẽ cùng lúc tiếp nhận được 20 máy bay loại B777, B747-400, tương đương với 7 triệu hành khách/năm. Dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư vào khách sạn, nhà nghỉ và các dịch vụ du lịch khác cũng chảy về Phú Quốc mạnh mẽ. Hiện có 9 khách sạn đạt chuẩn 3- 4 sao trên đảo và hàng trăm nhà nghỉ khách sạn nhỏ khác với số lượng hàng ngàn phòng. Các khách sạn như: Mango Bay, Sài Gòn – Phú Quốc, Sasco Blue Lagoon Resort, Chen La, Long Beach… Công suất phòng đạt khoảng 80%/năm và chủ yếu là khách nước ngoài. Các dịp lễ, Tết các khách sạn hầu hết đều “cháy” phòng vì lượng khách đăng ký ra đảo quá đông.

Hiện trên đảo Phú Quốc số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (hoặc giấy phép đầu tư hoặc quyết định cho phép đầu tư) tổng cộng 75 dự án, vốn đầu tư 48.187 tỷ đồng. Trong đó có 49 dự án trong các khu chức năng theo quy hoạch, diện tích 3.985 ha, tổng vốn 47.011 tỷ đồng và 26 dự án không gắn với đất hoặc đầu tư mở rộng hoặc ngoài các khu chức năng theo quy hoạch, tổng vốn đầu tư 1.176 tỷ đồng. Đến nay, trong số 49 dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư (hoặc cấp phép đầu tư, hoặc quyết định cho phép đầu tư) trong các khu chức năng theo quy hoạch, đến cuối tháng 6/2011 có 8 dự án đi vào hoạt động với diện tích 17,2 ha, vốn đầu tư 888 tỷ đồng; 11 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích 1.491 ha, vốn đầu tư 4.056 tỷ đồng (tăng 2 dự án với diện tích 2,39 ha, vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng so với cuối năm 2010); các dự án còn lại đang tiếp tục triển khai lập thiết kế cơ sở, thủ tục cấp giấy phép xây dựng hoặc đang hoàn thiện lập quy hoạch 1/500 và thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Câu thẻ mực tại Phú Quốc


Mới đây, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã làm việc với nhóm các nhà tư vấn nước ngoài để lựa chọn tư vấn chính thức cho dự án quy hoạch xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái có kết hợp trung tâm dịch vụ casino tại bãi Đá Chồng thuộc ấp Đá Chồng (xã Bãi Thơm phía Đông Bắc của huyện đảo Phú Quốc). Ông Đặng Công Huẩn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang- cho biết quy mô khu sòng bạc casino diện tích khoảng 30.000m2, bố trí 200-400 bàn đánh bạc và 2.000 máy đánh xẻng. Ngoài ra, xây dựng từ 5 đến 6 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và các khu nghỉ dưỡng, tổng số từ 2.500 - 3.000 phòng… Hình thức đầu tư của dự án bằng 100% vốn nước ngoài, theo phương thức đấu thầu cạnh tranh. Yêu cầu về chủ đầu tư dự án là những đơn vị, tập đoàn có năng lực tài chính, đang hoạt động trong lĩnh vực casino, tổng mức đầu tư cam kết trên 4 tỷ USD.

Ngổn ngang những dự án

Khủng hoảng kinh tế kéo dài đã tác động mạnh mẽ lên đảo Phú Quốc. Sức hút đầu tư có biểu hiện chững lại. Một số “ông lớn” như Tập đoàn Ủy thác Tructsse (Thụy Sỹ) và Công ty XNK Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) xây dựng dự án Trung tâm Tài chính – Du lịch, vốn 2 tỷ euro; Công ty TNHH Stabay Việt Nam một đơn vị thuộc Tập đoàn Stabay Holding Ltd (Vương quốc Anh) xây dựng dự án “Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Starbay” vốn 1,8 tỷ USD và nhiều công ty, tập đoàn khác vốn hàng trăm triệu USD đăng ký từ nhiều năm qua nhưng tất cả đang dừng lại ở… dự án. Nhiều dự án đã bị thu hồi hoặc xin rút khỏi Phú Quốc, trong đó có Tập đoàn Rockinham (Hoa Kỳ). Tập đoàn này khi xin đầu tư vào Phú Quốc đã đề nghị lấy 1.000 ha đất để xây dựng khu du lịch cao cấp và vui chơi giải trí. Tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận đầu tư nhưng Rockinham đã không triển khai thực hiện dự án như mong đợi, buộc UBND tỉnh Kiên Giang phải thu hồi dự án tỷ đô này.

Ông Lê Khắc Ghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Kiên Giang:
Khắc phục tình trạng thiếu vốn

Trước mắt UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo BQL.ĐTPT đảo Phú Quốc tập trung huy động mọi nguồn vốn trong khả năng (bao gồm: Vốn ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, vốn BT, vốn ứng trước của nhà thầu…) để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kết cấu hạ tầng đã được bố trí trong kế hoạch năm 2011 (kể cả phần vốn vay theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh). Đồng thời, UBND tỉnh sẽ sớm kiến nghị Chính phủ ưu tiên phân bổ vốn xây dựng cơ bản cho đảo Phú Quốc tăng thêm để vừa đủ trả nợ nhà thầu khối lượng công trình đã hoàn thành năm 2011, vừa triển khai thi công tiếp tục trong năm 2012.

Ông Văn Hà Phong, Bí thư, chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc:
Đẩy mạnh quy hoạch và phát triển hạ tầng

Nhìn tổng thể qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ, với sự nỗ lực, tập trung của các ngành, các cấp, Phú Quốc đã có những bước phát triển nhanh, khá toàn diện: Đời sống nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, kết quả đạt được còn thấp và tiến độ thực hiện chậm; nhất là công tác xây dựng và triển khai quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết các khu du lịch. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công, tái định cư... còn chậm, chưa tạo động lực phát triển; nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng chưa được triển khai.

Vì vậy, để thu hút đầu tư phát triển du lịch đảo Phú Quốc trong thời gian tới, Phú Quốc sẽ tập trung tổ chức triển khai quy hoạch và tăng cường quản lý thực hiện tốt quy hoạch. Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư cho các công trình, dự án phát triển du lịch, coi đây là yếu tố quyết định đến môi trường thu hút các nhà đầu tư vào Phú Quốc. Trong quá trình thực hiện phải công khai, dân chủ, minh bạch, trên cơ sở đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nhất là lợi ích của người dân trực tiếp giao đất cho các dự án. Quan tâm giải quyết nhu cầu về nhà ở, việc làm và đảm bảo đời sống của nhân dân. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hợp lý, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư phát triển du lịch. Có như vậy, việc thu hút đầu tư sẽ thuận lợi và đạt kết quả cao.

Ông Trần Văn Lâm- ngư dân Phú Quốc:
Gắn du lịch với phát triển nghề cá Phát triển du lịch

Phú Quốc là tất yếu nhưng phải gắn du lịch với nghề cá truyền thống tại đây. Bởi nó là cái hồn của Phú Quốc. Hiện nay khách du lịch mới được khám phá một vài nghề truyền thống như câu mực ban đêm nhưng chưa phát huy thành những tour du lịch đặc thù nhằm tăng khả năng doanh thu và giới thiệu nét độc đáo làng nghề của ngư dân vùng biển đảo Phú Quốc. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, Phú Quốc đang tập trung đầu tư trên hai lĩnh vực gồm kinh tế biển gắn với phát triển du lịch; kinh tế biển gắn với khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản nước mặn. Hiện nay ngư dân đang bắt đầu khai thác hướng làm ăn mới, như đầu tư các lồng bè quy mô để phục vụ du khách đến tham quan mô hình và phục vụ ăn uống; liên kết chặt chẽ giữa hai lĩnh vực nuôi trồng và du lịch để phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Phát triển đảo Phú Quốc, từ năm 2008 đến cuối tháng 6/2011, đơn vị này đã trình UBND tỉnh thu hồi chủ trương 21 dự án với tổng diện tích 1.736 ha. Trong đó có 7 dự án do trùng chủ trương đầu tư, 5 dự án doanh nghiệp xin trả lại, 7 dự án chậm triển khai, 1 dự án không còn phù hợp với quy hoạch, 1 dự án nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Trong khi các dự án sân bay quốc tế, cảng biển… sử dụng vốn của nhà đầu tư theo hình thức BOT, BT vẫn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, thì nhiều công trình, dự án (chủ yếu là giao thông) quan trọng trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc sử dụng nguồn vốn ngân sách đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ, nợ nhà thầu thi công. Ông Nguyễn Văn Sáu – Phó Ban Quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc cho biết: Năm 2011, vốn trái phiếu chính phủ đầu tư các công trình giao thông năm 2011 chỉ bố trí được 230 tỷ đồng, đến nay huyện đã giải ngân hết, không còn vốn để thanh toán và ứng cho nhà thầu để thi công tiếp.

Trong khi đó, huyện đảo Phú Quốc đang triển khai 3 dự án giao thông lớn là đường vòng quanh đảo, đường trục chính Nam – Bắc đảo và các tuyến đường do UBND huyện Phú Quốc làm chủ đầu tư. Cụ thể, đoạn An Thới - Dương Đông dài 27 km thuộc dự án đường trục Bắc - Nam đảo Phú Quốc (dài 51,2 km có vốn đầu tư 1.563 tỷ đồng (chi phí bồi thường giải tỏa 355 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng 1.208 tỷ đồng), hiện mới triển khai thi công một số đoạn trên phần đất không phải bồi thường giải toả. Giá trị khối lượng thực hiện lũy kế đến cuối tháng 6/2011 là 170 tỷ đồng, đạt 10,87% tổng mức đầu tư. Tuyến đường này đến nay chưa có vốn chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Dự án cầu Nguyễn Trung Trực chưa triển khai thi công, do chưa được bố trí vốn. Và do thiếu vốn nên huyện đã xin chủ trương chuyển dự án này sang hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) và được Chính phủ chấp thuận, hiện đang tiến hành đàm phán để ký hợp đồng BT với nhà thầu thi công. Tính đến cuối tháng 7/2011, tỉnh Kiên Giang đang nợ các nhà thầu thi công đường giao thông trên địa bàn Phú Quốc khoảng 170 tỉ đồng. Trong khi đó, theo Nghị quyết 11 thì Chính phủ sẽ không cho tạm ứng trước vốn của năm tiếp theo. Sang năm 2012, nếu Chính phủ phân bổ cho huyện khoảng 200 tỉ đồng xây dựng giao thông như năm 2011 thì chỉ đủ trả nợ cho nhà thầu khối lượng đã hoàn thành năm 2011, không có vốn để thi công tiếp. Dự án đầu tư nâng cấp hồ nước cộng với hệ thống cấp nước cho thị trấn Dương Đông lên 16.500 m3/ngày có vốn đầu tư 12,8 triệu USD (từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Thế giới khoảng 10,651 triệu USD (83%), vốn ngân sách đối ứng 2,222 triệu USD) dự kiến khởi công trong năm 2011 và hoàn thành năm 2015, nhưng đến nay chưa bố trí được vốn đối ứng năm 2011 của địa phương, đường ống cấp nước một số đoạn của dự án đi theo các tuyến đường giao thông nhưng chưa giải phóng được mặt bằng, do các dự án giao thông chưa có vốn để thực hiện bồi thường giải tỏa.

Ngoài những vấn đề khó khăn nêu trên, Phú Quốc vẫn đang khát điện, thiếu nước sinh hoạt; nguồn nhân lực phát triển đảo cũng là một vấn đề… Khát vọng biến Phú Quốc thành một thiên đường là ước mơ của nhiều người, nhưng ngày ấy vẫn đang còn xa.

Sĩ Dũng - Hồng Lĩnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN