Phục hồi nhanh, doanh nghiệp đang ‘khát’ vốn

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đang cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ với tốc độ tăng 8,51%. Tính đến ngày 20/6, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn "than" thiếu vốn.

Chú thích ảnh
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng cao góp phần vào phục hồi và phát triển kinh tế. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Khó đáp ứng điều kiện gói vay lãi suất 2%

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ phó Vụ Thống kê Công nghiệp - Xây dựng (Tổng cục Thống kê - TCTK) cho biết: Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, trong 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp (116.900 doanh nghiệp), tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay là 76.200 doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017 - 2021 (trên 64.000 doanh nghiệp). “Những con số này phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau 2 năm dịch COVID-19 bùng phát”, bà Phí Thị Hương Nga nhận xét.

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi nhanh nhưng “bão giá” xăng dầu và giá nguyên liệu, rất nhiều doanh nghiệp mong mỏi cần thêm vốn để khôi phục sản xuất, tiếp tục triển khai dự án, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn vay cũng không hề dễ dàng khi các ngân hàng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) để giải ngân. Chưa kể theo quy định, để tiếp cận hỗ trợ, doanh nghiệp phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm, không có nợ xấu… Hiện nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nên gần như không thể đáp ứng các yêu cầu này.

“Nếu điều kiện đặt ra là doanh nghiệp không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu mới được tiếp cận chính sách hỗ trợ này thì sẽ rất khó khăn”, bà Lê Thị Thương, Công ty CP Đào tạo và Du lịch Việt Nam quan ngại.

Còn ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Viettourist than thở: “Do không có tài sản thế chấp nên nhiều doanh nghiệp du lịch phải vay tín chấp với lãi suất khoảng 13 - 14%/tháng để khôi phục hoạt động. Với mức lãi suất cao sẽ khiến doanh nghiệp du lịch không có lãi May trang phục xuất khẩu ở Công ty Cổ phần thương mại May Việt Thành, Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. trong bối cảnh hiện nay. Nếu được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước (NSNN), chúng tôi sẽ giảm bớt áp lực tài chính về nguồn vốn tín dụng và việc khôi phục lại hoạt động cũng nhanh hơn”.

Hiện doanh nghiệp không chỉ thiếu vốn mà là khát vốn để tiếp tục mua nguyên liệu đầu vào nhằm duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng tới giá cả, kiểm soát lạm phát. “Chúng tôi kiến nghị các ngân hàng có chính sách đánh giá lại giá trị tài sản thế chấp để nâng hạn mức giải ngân, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đặc biệt với những đơn vị làm ăn tốt”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ngăn chặn các sai phạm, trục lợi chính sách

Cộng đồng doanh nghiệp đang mong được tiếp cận sớm gói hỗ trợ lãi suất 2% với những ưu đãi như tiết giảm điều kiện và được giải ngân sớm để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, sớm thoát khỏi khó khăn sau đại dịch.

Đề cập về rủi ro khi triển khai gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Có thể sẽ phát sinh rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng khi tăng mặt bằng lãi suất cho vay, rồi sau đó giảm 2% lãi suất làm giảm hiệu lực của chương trình tài trợ. “Nhưng trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đều khan hiếm vốn thì cơ quan thanh tra giám sát của NHNN cần lưu ý, giám sát các ngân hàng tăng lãi suất cho vay không bình thường dựa trên hệ số NIM, thanh khoản… để phát hiện ra những ngân hàng có ý đồ trục lợi”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo ngại: Một rủi ro cũng cần chú ý đó là gói hỗ trợ lãi suất ra đời không còn nhiều dư địa thời gian trong bối cảnh xu thế toàn cầu lạm phát cao, thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tác động trực tiếp đến Việt Nam thông qua các chỉ số kinh tế vĩ mô (lạm phát, tăng trưởng). Việt Nam đang đi ngược xu thế của thế giới nên nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch, những doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng bị ảnh hưởng dịch, nay trong giai đoạn phục hồi cũng được tiếp sức qua chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, chương trình đã giải ngân được khoảng 93.000 tỷ đồng, cho thấy sự hiệu quả và tầm quan trọng của chương trình là nắn dòng vốn vào đúng khu vực sản xuất - kinh doanh, vào các doanh nghiệp đang cần vốn để phục hồi sản xuất.

“Tuy nhiên, việc kết nối này còn chậm so với tốc độ khôi phục và mở rộng sản xuất của doanh nghiệp, vì vậy chương trình kết nối này cần khôi phục và đẩy nhanh tốc độ hơn. Đối với các nhà quản lý cần khảo sát lại nhu cầu vốn của từng doanh nghiệp từ đó có những hỗ trợ đa đạng, linh hoạt tùy theo nhu cầu của những doanh nghiệp đang khát vốn đến đâu mà hỗ trợ kịp thời”, TS Trần Du Lịch nói.

Trong khi đó, theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, mỗi năm nền kinh tế tăng trưởng tín dụng 14 - 15%, là con số cao nhất khu vực, điều này chứng tỏ nguồn vốn không khó tiếp cận. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ làm sao để doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc tìm kiếm nhiều nguồn vốn khác nhau ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ví dụ, doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế, xã hội giai đoạn 2022 - 2023 của Nhà nước với quy mô gần 350.000 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp ở những lĩnh vực, ngành nghề khó khăn, khó đáp ứng điều kiện tín dụng ngân hàng có thể tính đến giải pháp thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng.

“Doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu mô hình đầu tư, huy động vốn mới từ vốn cộng đồng, từ công ty tài chính công nghệ (fintech) trong bối cảnh công nghệ số thay đổi nhanh chóng. Tham gia các chương trình tài chính xanh hoặc cơ hội huy động vốn từ nước ngoài như phát hành trái phiếu, vay vốn trong bối cảnh uy tín, vị thế của Việt Nam đang lên, xếp hạng tín nhiệm triển vọng tích cực...”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: NHNN đã yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, đặc biệt ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách.  

“NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành, tăng cường thanh tra, giám sát, phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đạt hiệu quả. Nghị định 31 NĐ-CP đã quy định rất rõ các cơ chế giám sát, thể hiện trách nhiệm cao của ngành ngân hàng để đảm bảo gói hỗ trợ lãi suất 2% tới đúng đối tượng, minh bạch, không để trục lợi. Nếu không đúng đối tượng ưu đãi, NHNN sẽ thu hồi”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng: 

Hiện có một số điểm hạn chế của việc ngân hàng cho vay gói lãi suất 2%. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (GSO), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến ngày 20/6 đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước (5,47%). Nhiều ngân hàng có thể đã sử dụng hết room tín dụng nên khó giải ngân.

Cản trở thứ hai là các thủ tục hành chính, các ngân hàng vẫn giữ chuẩn mực là cho vay an toàn. Nên những đối tượng của chương trình (các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc 11 nhóm ngành nghề chính) thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V), yếu kém thua lỗ, không có tài sản bảo đảm.

Để các DNN&V có thể tiếp cận, cần có quy chế riêng cho gói này. Tức là những tiêu chí mà nội bộ các ngân hàng đưa ra cho vay phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành trên cơ sở những tiêu chí này để xét duyệt hồ sơ cho các DNN&V yếu kém. Chứ không thì gói này cũng chỉ đến tay những doanh nghiệp lớn, khách hàng “sộp” của ngân hàng thôi. NHNN nên có cơ chế đưa ra những tiêu chí cho vay rất khách quan và các ngân hàng cứ theo các tiêu chí đó chứ không thể để cho các ngân hàng tự chủ động cho vay.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:

Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, để doanh nghiệp có thể hấp thụ tối đa được gói hỗ trợ này, các ngân hàng cần tích cực cho vay các doanh nghiệp có các dự án sản xuất kinh doanh tốt và giải ngân dần dần theo tiến độ thực hiện dự án, từ đó giúp các doanh nghiệp vừa có nguồn vốn hồi phục và tăng trưởng, vừa được hưởng lãi suất hỗ trợ 2%.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương khi tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tốc độ duyệt xét; hồ sơ thiếu sót đến đâu yêu cầu bổ sung ngay tới đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ kịp thời, tránh lỡ nhịp kinh doanh, sản xuất.

Tuy nhiên để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như lịch sử tín dụng tốt; cần phải có kế hoạch, phương án hoạt động, kinh doanh hiệu quả, phương án sử dụng vốn vay minh bạch để ngân hàng có thể duyệt xét một cách nhanh chóng.   
M.Phương - H.Tuyết/Báo Tin tức
Tạo điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng không hạ chuẩn vay
Tạo điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng không hạ chuẩn vay

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: Một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) là không hạ chuẩn cho vay. Theo đó, doanh nghiệp khi vay phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN