Các dự án lớn và cấp bách đang được PVN thu xếp vốn gồm: Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2; Dự án Nhiệt điện Long Phú 1; chuỗi dự án khí lô B; Dự án khí Cá Voi Xanh; Dự án khí Sao Vàng - Đại Nguyệt, với tổng nhu cầu vốn vay lên tới 4,08 tỷ USD (tương đương 45.000 tỷ đồng).
Theo PVN, trong giai đoạn 2018-2030, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của PVN sẽ lên hơn 620.000 tỷ đồng bao gồm vốn cho lĩnh vực dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện và vốn trả nợ gốc các khoản vay. Trong tổng nhu cầu vốn của PVN ở giai đoạn này, tỷ trọng nhu cầu vốn vay chiếm hơn 30%.
Để thu xếp vốn cho các dự án hiện tại cũng như vốn cho cả giai đoạn đến năm 2030 trong điều kiện không còn bảo lãnh Chính phủ, PVN sẽ tập trung tối đa hoá vốn vay có bảo hiểm từ các tổ chức tín dụng xuất khẩu (vốn ECAs) bao gồm cả nguồn bảo hiểm không ràng buộc và có ràng buộc.
Bên cạnh đó, dựa trên cân đối dòng tiền của Tập đoàn, PVN sẽ xây dựng tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay cho từng dự án phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng dự án và khả năng huy động vốn của dự án, trên cơ sở đó, tối đa tỷ lệ vay vốn của dự án có khả năng huy động vốn tốt.
PVN cũng thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm, hoàn thiện và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về các hoạt động của PVN và số liệu tài chính để phục vụ công tác thẩm tra soát xét chi tiết (due dilidgence) của các tổ chức ECAs cũng như các bên cho vay khi đánh giá khả năng cho PVN vay không có bảo lãnh của Chính phủ.
Ngoài ra, giải pháp tìm kiếm kênh huy động vốn/nguồn vốn vay mới bên cạnh nguồn vốn vay truyền thống như phát hành trái phiếu trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế sẽ được PVN nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.