Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay, hiện phần lớn nhãn chín muộn ở Hà Nội tiêu thụ dưới dạng quả tươi, qua sơ chế, chế biến, đóng gói nhãn mác (khoảng 3-5% sản phẩm).
Sản phẩm này do nông dân tự tiêu thụ qua tư thương (60-70% sản lượng) nên giá thành bấp bênh; có khoảng 30-40% sản phẩm quả được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị tại các quận nội thành, huyện, thị xã. Trước đây, thị trường tiêu thụ nhãn chín muộn chủ yếu tại Hà Nội nhưng hiện đã được xuất khẩu sang Malaysia, Mỹ, Ba Lan và thương hiệu này đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Nhằm tìm kiếm, phát triển và mở rộng thị trường, thời gian qua, Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành, thông qua các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại và liên kết với doanh nghiệp… để đưa sản phẩm nhãn chín muộn đến nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu sang cả những thị trường khó tính; trong đó, có Australia.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thị trường nhập khẩu đang có sự thay đổi về yêu cầu; trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thông qua chế biến, đóng gói… Để xuất khẩu hiệu quả nhãn chín muộn, Hà Nội đã rất nỗ lực trong 5 năm qua, từ sản xuất, học hỏi kinh nghiệm cho đến thay đổi tư duy sản xuất của người dân và cả nhà quản lý.
Năm 2018, diện tích cây ăn quả Hà Nội là 18.796 ha; trong đó, diện tích nhãn đứng thứ 3 với sản lượng 18.000 tấn. Cơ cấu giống nhãn gồm: nhãn chín muộn, nhãn chín sớm, nhãn ta, nhãn Miền Thiết, nhãn thóc được trồng tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ.
Giống nhãn chín muộn của Hà Nội chủ yếu trồng tập trung tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ với diện tích khoảng 600 ha; sản lượng nhãn chín muộn đạt khoảng 9.000 - 10.000 tấn; thu nhập bình quân khoảng 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Một số vườn tiêu biểu cho thu nhập trên 700 - 800 triệu đồng/ha/năm. Định hướng đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1.000 ha nhãn chín muộn.
Trong dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức công bố nhãn chín muộn Hà Nội xuất khẩu đi Australia năm 2019. Theo đó, lô hàng nhãn đầu tiên từ huyện Hoài Đức, Hà Nội đã được chuyển vào Nam để chiếu xạ rồi xuất sang Australia. Dự kiến trong ngày 6/9, những quả nhãn của Việt Nam sẽ chính thức có mặt trên các kệ hàng tại Melbourne, Australia.
Như vậy, quả nhãn tươi Việt Nam đã có mặt tại hàng chục quốc gia trên thế giới; trong đó, có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Quả nhãn cũng là loại trái cây thứ 4 của nước ta được Australia cấp phép nhập khẩu sau quả vải, xoài và thanh long. Bộ Nông nghiệp Australia đã sang làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để hoàn thành nốt các thủ tục cuối cùng.
Bà Phùng Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam cho biết, là doanh nghiệp xuất khẩu những lô nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội xuất khẩu sang thị trường Australia, trong suốt 5 năm vừa qua, doanh nghiệp luôn gắn bó với các sản phẩm nông nghiệp, để có những lô nhãn đầu tiên xuất khẩu đến thị trường này. Doanh nghiệp mong muốn mang sự tự hào của Việt Nam ra thị trường thế giới, nhất là đối với sản phẩm nông sản. Đây cũng là những bước đi của cơ quan chức năng, doanh nghiệp với mong muốn người nông dân có mức thu nhập tốt hơn, sản phẩm nông nghiệp có vị thế tốt hơn trên thị trường xuất khẩu.
Năm 2018, Green Path là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu nhãn Hà Nội sang thị trường Mỹ. Doanh nghiệp cũng đã góp sức đồng hành với tỉnh Sơn La để đem trái xoài của Sơn La lần đầu tiên chinh phục thị trường Mỹ. Dưới sự hỗ trợ của hai Chính phủ Australia và Việt Nam, cùng với sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp trong việc hỗ trợ hướng dẫn bà con để có thể sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Australia.
Hiện những container nhãn chín muộn của Hà Nội đầu tiên đã đến với thị trường Australia. Dù số lượng xuất khẩu ban đầu còn khiêm tốn, nhưng việc này sẽ góp sức và khẳng định vị thế của trái nhãn khi chinh phục được các thị trường xuất khẩu, nhất là tại các thị trường khó tính như Australia nói riêng hay EU, Mỹ,… nói chung.
Hương vị đặc biệt, tôn trọng giá trị thật của nông sản, nhãn muộn Hà Nội không xử lý quả mà để tự nhiên, chấp nhận bỏ ra chi phí lớn, Green Path sử dụng phương tiện vận chuyển là máy bay thay vì đi đường biển. Trái nhãn muộn của Hà Nội kỳ vọng sẽ đón nhận được những tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng Australia. Xuất khẩu thành công là một điều đáng mừng, nhưng giữ được niềm tin của người tiêu dùng hay không là việc mà doanh nghiệp phải nỗ lực hàng ngày. Do đó, Green Path luôn nhấn mạnh hướng đi chọn chất lượng thay vì số lượng - bà Phùng Thị Thu Hương nhấn mạnh.