Ông Phil O’Reilly, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Thương mại và Công nghiệp thuộc OECD, thành viên Ban Điều hành ILO trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Bnews.vn |
Ngày 9/11, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh APEC 2017 (CEO Summit) tiếp tục với các phiên thảo luận chuyên đề về tạo việc làm, kết nối vì mục tiêu tăng trưởng… Bên lề hội nghị này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Phil O’Reilly, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Thương mại và Công nghiệp thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thành viên của Ban Điều hành Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về một số nội dung liên quan đến tác động toàn cầu hóa và khởi nghiệp. Ông O’Reilly đang điều hành một công ty tư vấn ở Wellington, New Zealand.
Toàn cầu hóa đang là một chủ đề “nóng” tại nhiều diễn đàn và hội nghị quốc tế. Một số người lo ngại về tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, trong khi những người khác lại ủng hộ cho xu hướng đó. Ông có bình luận gì về vấn đề này?Toàn cầu hóa rõ ràng là một vấn đề gây tranh cãi. Điều chúng ta thực sự nghe được tại diễn đàn này cũng như điều chúng ta đang chứng kiến ở cộng đồng doanh nghiệp đó là toàn cầu hóa sẽ tiếp tục, lợi ích của toàn cầu hóa cũng rất lớn.
Tại Việt Nam, bạn biết rằng lợi ích của toàn cầu hóa có ở khắp nơi bởi vì, chúng tôi có thể thấy sự phát triển đang diễn ra ngay bên ngoài hội trường này. Vì vậy, động lực của toàn cầu hóa sẽ tiếp tục, nhưng chúng ta cần giải thích điều đó rõ ràng hơn. Chúng ta cũng cần đảm bảo rằng có thêm nhiều người hưởng lợi từ toàn cầu hóa; hệ thống an sinh xã hội tốt, đào tạo tốt và trang bị các kỹ năng để có thêm nhiều người cảm thấy rằng họ cũng được hưởng lợi từ những thành công của toàn cầu hóa.
Tại Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25 vào cuối tuần này, các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ thảo luận về sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của sáng kiến này?Theo tôi, điều quan trọng là chúng ta tiếp tục thảo luận về việc cải thiện các kỹ năng và đảm bảo rằng các kỹ năng này là hữu ích trong thế kỷ 21… Chúng ta cần đảm bảo rằng giới trẻ có thể thích ứng với sự thay đổi trong công việc; giới trẻ nói riêng và những người trưởng thành ở các nền kinh tế APEC có thêm các kỹ năng kỹ thuật số. Đây là những vấn đề rất quan trọng. Nếu chúng ta có thể làm được những điều đó, tương lai việc làm ở những nơi như Việt Nam sẽ được đảm bảo.
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta không chịu thay đổi và tiếp tục giảng dạy theo cách lỗi thời, truyền đạt những kỹ năng lỗi thời, mà không nhận ra rằng thế giới đang thay đổi. Tôi tin rằng, một quốc gia như Việt Nam sẽ đi đúng hướng.
Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đối với các nền kinh tế APEC? Theo ông, APEC cần làm gì để hỗ trợ các MSME phát triển?MSME là xương sống của các nền kinh tế APEC nói riêng và tất cả các nền kinh tế trên thế giới nói chung. Ở New Zealand - quê hương tôi, có hơn 90% trong tổng số các doanh nghiệp là MSME. Các doanh nghiệp này tạo ra rất nhiều việc làm. Đó là việc làm vĩ đại của họ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ mới hình thành. Họ là những cỗ máy tạo việc làm thực sự của bất cứ nền kinh tế nào.
Vì vậy, các bạn muốn hỗ trợ các MSME và cách chúng tôi có thể làm đó là đảm bảo rằng chúng ta có cơ sở hạ tầng tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cần đảm bảo rằng các doanh nghiệp nhỏ này có thể tiếp cận với các nguồn tài chính. Họ có thể thuê nhân công một cách dễ dàng.
Những điều trên rất quan trọng. Sáng kiến giúp khởi nghiệp và phát triển một cách dễ dàng thực sự là chìa khóa cho sự thành công. New Zealand là nơi dễ dàng nhất trên thế giới để khởi sự kinh doanh. Bạn có thể làm điều đó chỉ trong vòng chưa đầy nửa ngày. Đó là điều mà tất cả chúng ta cần nghĩ đến ở các nền kinh tế APEC. Đó là làm cách nào để bạn có thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong APEC?
Khi nhìn vào giới doanh nhân Việt Nam, một quốc gia có tinh thần khởi nghiệp rất cao, các bạn đang hiện đại hóa rất nhanh…
Việt Nam đã tham gia vào các diễn đàn đa phương, trong đó có APEC và ASEAN. Tương lai của đất nước như Việt Nam rất sáng lạn. Mặc dù vậy, điều quan trọng là các bạn cần đảm bảo rằng các cuộc cải cách kinh tế vi mô và quá trình cải cách trong nước đang diễn ra ở nền kinh tế này được thực hiện tốt. Nếu không, một số cơ hội kinh doanh mà các bạn đang có thể sẽ bị vuột mất. Đó là một vấn đề mà Chính phủ và người dân Việt Nam cần phải thảo luận.