Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, cát lòng sông là tài nguyên đặc biệt cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, cát lòng sông được khai thác và sử dụng khá lớn với mục đích chủ yếu là làm vật liệu xây dựng và san lấp nền. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề khai thác cát ở khu vực này đang phải đối mặt với các thách thức như: giảm lượng cát hàng năm do ảnh hưởng của xây dựng đập thượng nguồn; biến đổi khí hậu; khai thác quá mức làm mất cân bằng sinh thái, mất ổn định hình thái sông; sạt lở, xói lở, bồi lắng mất kiểm soát ở hạ lưu; chưa cân đối cung/cầu, dựa trên quy hoạch, trữ lượng thăm dò.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Nghĩa Hùng, khá nhiều đề tài đã nghiên cứu về quy hoạch chỉnh trị sông, quy hoạch thủy lợi. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến quy hoạch khai thác cát bền vững không nhiều.
Dự án Hỗ trợ Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên thực hiện từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2023 nhằm góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế - xã hội do biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án có 4 nội dung cần thực hiện là: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng về tổng lượng trầm tích (chủ yếu là cát sỏi) cho Đồng bằng sông Cửu Long với sự phối hợp của các đối tác quan trọng; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về tác động của việc khai thác cát không bền vững, làm gia tăng thiên tai cho khu vực; tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng; xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát bền vững, lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Một trong những nội dung quan trọng của dự án là gói tư vấn xây dựng kế hoạch, tài liệu tập huấn để phục hồi hình thái sông Tiền và sông Hậu, duy trì sinh kế và hệ sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm xác định vị trí các mỏ có thể khai thác cát với các rủi ro về sạt lở trong điều kiện khác nhau.
Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên cho thấy, hiện nay, khối lượng cát đổ về Đồng bằng sông Cửu Long từ 6,18 - 7 triệu tấn/năm và khoảng 6,5 triệu tấn cát đổ ra biển. Trong khi đó, lượng cát được khai thác từ các con sông ở khu vực này là từ 28 - 40 triệu tấn/năm. Điều này có nghĩa, mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long đang bị thâm hụt một lượng cát từ từ 27,5 - 40 triệu tấn.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, dự án Hỗ trợ Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thúc đẩy sự tham gia và đối thoại giữa các chủ thể chính trong ngành Xây dựng Việt Nam, cung cấp thông tin về các rủi ro liên quan đến khai thác cát sỏi và cơ hội tìm nguồn cung ứng bền vững để thay thế cát sỏi tại Cần Thơ nói riêng và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Đồng thời, một chiến dịch truyền thông về tác động của việc khai thác cát sỏi không bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên thực hiện nhằm thúc đẩy hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề. Qua đó, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên mong muốn sẽ đem lại một tác động cụ thể, đó là góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương về kinh tế - xã hội cho vùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, dự án do các chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên xây dựng sẽ giúp cho thành phố Cần Thơ quản lý việc khai thác cát, phòng chống sạt lở ở sông Hậu cùng với các tuyến sông quan trọng của thành phố được tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, hiện nay, tình hình sạt lở trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp nhưng nguyên nhân vì sao sạt lở chưa có đánh giá thống nhất. Bên cạnh đó, mức độ, dự báo sạt lở cần được đánh giá đầy đủ để thành phố có kế hoạch di dời người dân đến nơi an toàn hay bố trí nguồn lực, đưa ra giải pháp thích hợp nhất để ứng phó với sạt lở. Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, đây là dự án rất thiết thực, gắn liền với thực tiễn, qua đó bổ sung cho địa phương những giải pháp thích ứng phù hợp trước mắt cũng như lâu dài.