Vườn trải nghiệm cà phê do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) hợp tác cùng với Nestle thực hiện đã đưa vào hoạt động ngày 18/11 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sau hơn 10 năm (2011 – 2020) triển khai trực tiếp các hoạt động về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao kỹ thuật về phát triển cà phê bền vững.
Theo đó, vườn trải nghiệm cà phê được bao quanh bởi vườn cà phê xanh mướt và được thiết kế 2 tầng với kiến trúc hiện đại. Tại không gian tầng 1, khách có thể tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế các khâu trong quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao: từ giai đoạn nuôi cấy mô, ươm trồng, sản xuất cây giống đến giai đoạn hạt cà phê ra trái, thu hoạch và thử nếm chất lượng sản phẩm cà phê đầu ra.
Tầng 2 của vườn trải nghiệm là khu pha chế và thưởng thức cà phê. Điều đặc sắc đối với không gian này chính là sự đa dạng trong cách pha chế các loại cà phê Robusta, Arabica… thành nhiều thức uống với các hương vị khác nhau: hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa cao nguyên.
Ông Trần Vinh, Quyền Viện trưởng WASI, chia sẻ: “Xuất phát từ mong muốn giới thiệu và quảng bá rộng rãi cà phê Việt Nam để người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ, hiểu hơn và thêm yêu hạt cà phê Việt, vườn trải nghiệm Nestle WASI ra đời tại khu sản xuất thực nghiệm 100 ha của Viện là một ý nghĩa quan trọng. Bởi đó không chỉ minh chứng cho sự quan tâm đến vấn đề quảng bá sản phẩm cà phê Việt Nam cho du khách trong nước và trên thế giới tới tham quan, học tập, trải nghiệm và thưởng thức cà phê mà còn là cơ hội để hạt cà phê Việt Nam được bay cao và xa hơn trong thời gian tới”.
Từ khi triển khai vào năm 2011, dự án hợp tác giữa WASI và Nestle đã mang đến nhiều cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới, tạo tác động tích cực đến sự phát triển bền vững cho ngành cà phê Việt Nam, như đóng góp vào phát triển liên kết chuỗi, gia tăng chất lượng và giá trị cho hạt cà phê Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới. Đến nay, đã có 46.000 ha diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên được tái canh thông qua hoạt động phân phát cây giống; hơn 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C; tiết kiệm 40% lượng nước tưới, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, tăng trên 30% thu nhập cho người nông dân.