Mô hình kinh doanh vận tải “hợp đồng” đưa đón khách tận nơi, tận chốn chất lượng cao đang có những phản ứng trái chiều trong xã hội. Các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống (xe tuyến cố định) phản ứng gay gắt, song không ít người lại cho rằng đây là mô hình kinh doanh vận tải mới mà quản lý nhà nước chưa theo kịp, nên đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh để đưa hoạt động vận tải này đi vào nề nếp, chống thất thu thuế và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Có cầu ắt có cung
Mô hình kinh doanh vận tải theo dạng “hợp đồng miệng” đưa đón khách tận nơi, tận chốn mà truyền thông gần đây phản ánh là xe “hợp đồng trá hình” Limousine chạy các tuyến Quảng Ninh - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng và các chiều ngược lại.
Hành khách chỉ cần nhấc máy gọi tổng đài của các hãng vận tải để “hợp đồng miệng” (hay đặt lịch trước) nhà xe sẽ cung cấp giờ đón tại nhà, số ghế ngồi chi tiết.
Giá cước vận tải cho chiều Quảng Ninh - Hà Nội và ngược lại dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/chuyến, tùy theo loại xe 9 chỗ hay 16 chỗ.
Việc đưa đón xe theo “hợp đồng miệng” thường đúng giờ, chất lượng dịch vụ tốt, thời gian chạy từ Hạ Long (Quảng Ninh) đi Hà Nội nhanh thường chỉ mất 2 - 2,5 giờ đồng hồ (giảm một nửa so với đi xe tuyến cố định). Do vậy, dù giá vé cao gấp 2 so với giá vé xe tuyến cố định, song nhiều người dân vẫn có nhu cầu sử dụng dịch vụ này bởi chất lượng dịch vụ cao, thuận tiện, nhanh chóng.
Bà Thu Lan, trú ở Hạ Long cho hay, giá vé tuy cao, song tính kinh tế lại có lợi bởi bà được đón tại nhà và đưa đến tận nơi. Phần giá vé cao bù vào tiền đi xe ôm, xe taxi hai đầu bến so với việc đi xe khách tuyến cố định, trong khi đó lại tiết kiệm thời gian di chuyển.
Mặc dù vậy, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, ông Bùi Hồng Minh khẳng định, hoạt động kinh doanh vận tải theo mô hình này là vi phạm so với luật định. Bởi căn cứ vào Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vận tải đường bộ và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải thì xe hợp đồng chỉ được ký kết 01 hợp đồng vận chuyển khách, không được đưa đón khách lẻ bằng bất cứ hình thức nào.
Trong khi đó, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ có cầu ắt có cung, dịch vụ vận tải này đáp ứng được nhu cầu chính đáng đi lại an toàn, thuận tiện của người dân nên Nhà nước không nên cấm đoán mà tìm phương thức quản lý chặt chẽ nhằm đưa hoạt động kinh doanh vận tải vào nề nếp vừa tạo môi trường cạnh tranh công bằng, vừa tránh được thất thu ngân sách.
Quản lý bằng công nghệ
Quảng Ninh đang xây dựng một “bến xe ảo”, hay nói cách khác tạo ra một sàn giao dịch điện tử hỗ trợ kết nối giữa hành khách với đơn vị vận tải cũng như với các cơ quan quản lý nhà nước. Qua sàn giao dịch này, cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải nói chung và xe “hợp đồng Limousine” nói riêng, từ đó tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, chống thất thoát nguồn thu ngân sách.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, tỉnh có khoảng 440 xe ô tô loại từ 16 ghế trở xuống đang hoạt động theo hình thức “hợp đồng trá hình” ở các tuyến Quảng Ninh - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng và các chiều ngược lại. Ngoài ra có hơn 830 xe khác đăng ký ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng cũng đang hoạt động theo mô hình “hợp đồng trá hình” trên các tuyến vận tải trên.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh Bùi Hồng Minh cho biết, việc kinh doanh theo hình thức “Hợp đồng trá hình” như hiện nay tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định do không có công cụ quản lý thuế, không phải nộp tiền dịch vụ bến xe, đặc biệt là xe hợp đồng Limousine dưới 10 chỗ không phải thông báo hợp đồng trước mỗi chuyến đi với cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận thực trạng các xe tuyến cố định hiện nay có chất lượng dịch vụ thấp, dịch vụ cung ứng từ bến xe tới các điểm đón khách chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn di chuyển của khách (không có xe trung chuyển gom khách), thời gian di chuyển kéo dài nên một bộ phận không nhỏ người dân từ bỏ dịch vụ này và lựa chọn dịch vụ mới.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, hiện có khoảng 20% thị phần khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải đưa đón tại nhà. Nhằm nâng cao chất lượng quản lý phương tiện, Quảng Ninh đang xây dựng đề án trung tâm điều hành điện tử.
Theo đó, Quảng Ninh đề xuất thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hoạt động vận tải” (giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp chuyên ngành của Sở Giao thông Vận tải mà không thành lập bộ máy mới) với nhiệm vụ kiểm soát, phát hiện các vi phạm trên hệ thống giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ, hệ thống giao thông thông minh của tỉnh; kiểm soát hoạt động xe hợp đồng bằng công nghệ thông tin; thống kê phục vụ công tác thu thuế, chỉ đạo điều hành của tỉnh…
Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh sẽ tập trung xây dựng phần mềm kết nối hành khách với đơn vị vận tải theo loại hình hợp đồng và tuyến cố định để đảm bảo công bằng về quản lý vận tải khách và nghĩa vụ nộp thuế giữa hai loại hình này.
Quảng Ninh đề nghị Trung ương cho tỉnh này thí điểm triển khai mô hình quản lý mới nói trên, đồng thời đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép chia sẻ dữ liệu trên hệ thống giám sát hành trình để Sở Giao thông Vận tải tỉnh kiểm soát phương tiện thuộc địa phương khác hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Ý tưởng này được nhiều doanh nghiệp vận tải đồng thuận. Ông Ngô Đức, Giám đốc Công ty TNHH Vân Đồn Xanh, đơn vị đang hoạt động vận tải hợp đồng tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng cho biết, đơn vị ủng hộ và hy vọng mô hình quản lý trên sớm được vận hành.
Bởi theo ông Đức, làm như vậy, cơ quan quản lý nhà nước mới tạo ra được sân chơi chung lành mạnh, công khai, minh bạch đối với lĩnh vực vận tải khách. Doanh nghiệp được hoạt động kinh theo khuôn khổ pháp luật, được thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước đầy đủ. Hơn nữa, đó là cơ sở pháp lý tốt để doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ người dân được tốt hơn.
Ông Đức nói thêm, mô hình kinh doanh vận tải đưa đón khách tại nhà là do xuất phát từ nhu cầu đi lại chính đáng của nhân dân. Nếu người dân không có nhu cầu, hoặc chất lượng dịch vụ không đảm bảo thì mô hình kinh doanh vận tải mới nói trên không thể tồn tại và phát triển như bây giờ. Do vậy, thay vì cấm đoán, việc đưa loại hình kinh doanh mới này vào quản lý nhà nước là hợp lý, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.