Để đạt được mục tiêu này, vào giữa tháng 1/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành công văn yêu các các sở, ngành và địa phương tăng cường nhân rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong việc lựa chọn, quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ đảm bảo điều kiện; tăng cường chuyển giao quy trình, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất lúa hữu cơ; đồng hành kết nối, mời gọi các tổ chức, cá nhân liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; tăng cường giải pháp sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn chứng nhận an toàn, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và nâng cao giá trị của lúa gạo.
Sở Khoa học và Công nghệ ưu tiên bố trí kinh phí nghiên cứu khảo nghiệm để chọn lọc các giống lúa mới chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu để khuyến cáo các địa phương cơ cấu vào sản xuất lúa hữu cơ; nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học phục vụ sản xuất lúa hữu cơ nhằm tạo sản phẩm lúa gạo sạch; hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm hàng hóa "Gạo sạch", "Gạo hữu cơ” Quảng Trị; triển khai mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
Các địa phương rà soát, quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung với quy mô lớn, đảm bảo điều kiện về thổ nhưỡng, hạ tầng cơ sở trong việc tưới tiêu, giao thông vận chuyển; đồng thời có các chính sách đặc thù để khuyến khích dồn ghép, tích tụ ruộng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ các vùng sản xuất lúa hữu cơ.
Từ năm 2017, ngành nông nghiệp Quảng Trị bắt đầu triển khai trồng thử nghiệm lúa hữu cơ. Đến nay, diện tích lúa hữu cơ đã được mở rộng thông qua mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị và Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị thực hiện ở các huyện: Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh. Giống lúa hữu cơ được đưa vào sản xuất là ST25 - loại lúa cho gạo hai lần được công nhận là ngon nhất thế giới.
Tham gia mô hình, người nông dân chủ yếu thực hiện điều tiết nước vào đồng ruộng, thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện sâu bệnh trên lúa. Các khâu làm đất, trồng lúa, phun chế phẩm sinh học, thu hoạch đều áp dụng cơ giới hóa. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ cho năng suất 65 tạ/ha, giá lúa tươi bán tại ruộng 13.000 đồng/kg. Trừ chi phí, lúa hữu cơ cho lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha, gấp gần 2 lần so với trồng lúa thông thường.