Thông tư 20 của Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) dự kiến áp dụng từ 1/9 tới đây bổ sung thêm nhiều điều kiện giới hạn nhập khẩu máy móc cũ. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực máy móc xây dựng, nông nghiệp sẽ không được phép nhập khẩu những loại máy có thời hạn sử dụng quá 3 năm, 7 năm, 10 năm hoặc 15 năm (tùy từng loại máy) và giá trị sử dụng còn dưới 80%. Các chuyên gia cho rằng, quy định này là phi thực tế và gây khó dễ cho cả DN và các cơ quan kiểm định chất lượng của Việt Nam.
Khó kiểm định chất lượng
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam, cho rằng, quy định các máy móc cũ nhập khẩu phải có chất lượng từ 80% trở lên so với máy mới là rất khó thực hiện. “Bằng cách nào để xác định chất lượng máy móc còn bao nhiêu phần trăm? Chúng tôi làm trong ngành kiểm định chất lượng khá lâu nhưng chưa bao giờ xác định được chính xác máy móc còn bao nhiêu phần trăm”, ông Hải băn khoăn.
Sản xuất phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp tại Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1, thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Ảnh:Trọng Đạt – TTXVN |
GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cũng thắc mắc: “Không ai có thể tháo hết máy móc ra để giám định chất lượng còn bao nhiêu phần trăm được. Thước đo KHCN của ta hiện rất mơ hồ”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Vũ Hải cũng cho biết, Thông tư 20 của Bộ KHCN có thể sẽ chồng chéo với các quy định đã có trước đây của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Theo đó, Bộ này đã ban hành thông tư quy định danh mục chi tiết sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT để cụ thể hóa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có các phương tiện thi công công trình GTVT được nêu trong Thông tư 20 của Bộ KHCN. Việc Bộ KHCN ban hành Thông tư 20 có thể gây khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như các DN nhập khẩu máy móc.
Lo lãng phí nguồn vốn DN
Các DN cũng rất lo lắng về quy định về điều kiện nhập khẩu máy móc. Từ hơn 20 năm nay, công ty TNHH Minh Thanh (Hưng Yên) của ông Lê Văn Định hoạt động tốt nhờ vào việc nhập khẩu máy móc cũ từ các nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Đức. Nhiều máy cẩu bánh xích, máy khoan cọc nhồi... được ông trực tiếp sang Nhật để đấu giá mua về, trong đó có nhiều nước phát triển cũng tham gia đấu giá.
“Tại Mỹ, những chiếc máy được sản xuất từ các năm 50 - 60 của thế kỉ trước vẫn được phép dùng, miễn là khi ra công trường hoạt động tốt. Còn tại Nhật, tôi nhìn thấy những chiếc máy sản xuất những năm 1980 vẫn hoạt động trên đồng ruộng bình thường, mà họ còn là cường quốc sản xuất các loại máy này”, ông Định cho biết.
Nhiều DN chuyên nhập khẩu máy móc cho biết, máy móc cũ sản xuất từ những năm 1980 - 1990 của Nhật, Đức vẫn giữ giá rất đắt, có khi trên 1 tỷ đồng. Nếu nhập máy mới, chẳng hạn máy khoan KH180-3 đời mới nhất, giá trị có thể lên đến hơn chục tỷ đồng, nằm ngoài khả năng chi trả của DN. Ông Doãn Quý Huỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Máy xây dựng Kim Long, cho biết, hầu hết máy móc cũ được các DN nhập về là máy của Nhật và một số nước châu Âu. Tuy máy cũ nhưng chất lượng sử dụng có khi hơn cả máy mới mua từ Trung Quốc.
“Nếu áp dụng quy định niên hạn sử dụng 3 - 7 năm thì đời máy được nhập phải rơi vào những năm 2007 trở lại đây. Trong khi đó, những đời máy sản xuất khoảng năm 2000 vẫn rất tốt. Nếu DN phải mua máy mới hơn với mức giá cao hơn nhiều lần thì khó lòng kham nổi”, ông Huỳnh cho hay.
Ông Đào Phan Long, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam, chia sẻ: “Tôi đồng ý việc hạn chế nhập máy cũ là để giải quyết tình trạng nhiều máy móc đã qua sử dụng khi nhập về Việt Nam không vận hành được gây lãng phí nguồn vốn cho DN và Nhà nước, nhưng thực tế năng lực của chúng ta chưa đủ để nhập máy mới, công nghệ cao, chất lượng tốt. Vậy thà nhập máy cũ và chất lượng tốt còn hơn nhập máy mới mà chất lượng kém”.
Nhằm giải quyết những tranh cãi xoay quanh quy định mới này, theo GS.TS Nguyễn Mại, cần phân định rõ trách nhiệm của Nhà nước và DN trong việc nhập khẩu và sử dụng máy móc cũ. Các cơ quan Nhà nước cần bảo đảm máy móc nhập khẩu đáp ứng đủ 3 yêu cầu về môi trường (chất thải rắn, khí thải...), bảo đảm an toàn lao động và tiết kiệm năng lượng thì mới cho phép vận hành, chứ không cần lo cho hoạt động kinh doanh của DN. Về phía DN, phải bảo đảm trách nhiệm DN về mặt luật pháp và hiệu quả kinh doanh. ”Nếu họ nhập máy về mà không bảo đảm các yêu cầu của Nhà nước thì không được phép vận hành, dẫn đến phá sản, thua lỗ. Khi đó, DN sẽ tự tính toán xem có nên nhập hay không nhập”, GS Mại phân tích.
Hoàng Dương